Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vi hành kiểm tra thực phẩm trong siêu thị. Ảnh: Tấn Thanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vi hành kiểm tra thực phẩm trong siêu thị. Ảnh: Tấn Thanh.
TP - Tiết kiệm từng đồng tiền thuế của dân, không mua xe mới, không tặng hoa chúc mừng, không “rồng rắn” đi công tác…, tất cả những lời nói và hành động cụ thể của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian qua đã góp phần làm tăng niềm tin của người dân, xã hội về tương lai đổi mới và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tin vào Chính phủ hành động

Chưa khi nào, Chính phủ điều hành kinh tế, xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức lớn như năm 2016. Ở trong nước, tình trạng thu chi ngân sách khó khăn, nợ công, nợ xấu còn cao; hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, lũ lụt diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là ở khu vực miền Trung, ÐBSCL và Tây Nguyên… Rồi sự cố môi trường biển miền Trung đã không chỉ làm cho cả xã hội “nóng” lên mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả kinh tế, xã hội lẫn niềm tin của cộng đồng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện sự bình tĩnh, nỗ lực đoàn kết, sáng tạo để không chỉ giải quyết các khó khăn, thách thức hiện tại, lâu dài mà còn quyết tâm đổi mới để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng thể hiện quyết tâm đó bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Bất cứ đâu, nơi nào xảy ra các vụ việc “nóng”, phức tạp, Thủ tướng đều có mặt để tìm hiểu và đề ra giải pháp giải quyết. Từ sự cố Formosa ở Hà Tĩnh, Quảng Bình; bão lũ ở Bình Ðịnh, Nam Ðịnh cho đến tình hình an toàn thực phẩm ở Hà Nội và TPHCM, Thủ tướng đều có mặt. Thủ tướng cũng trực tiếp, “âm thầm” khảo sát việc buôn bán rau củ quả ở chợ Long Biên (Hà Nội), thưởng thức tô phở và ly cà phê bình dân ở TPHCM...

Ðối với cộng đồng doanh nghiệp và sự tự do kinh doanh làm ăn của người dân, Thủ tướng luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Việc làm đầu tiên của Thủ tướng  trong ngày nhậm chức cũng chính là nhận lời mời tham dự Hội nghị của Chính phủ với doanh nghiệp. Tại Hội nghị trên thông điệp ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế mà Thủ tướng nêu ra đã nhận được những tràng vỗ tay dài của cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng ta gặp nhau hằng ngày, các đồng chí ở các tỉnh đi vào, đi ra, lên, xuống xếp hàng đến Hà Nội - làm xe nhiều quá, chạy chật cả đường. Mình gương mẫu cho nhân dân là rất cần thiết và làm như vậy sẽ nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí - nhất là làm giảm việc đi mua hóa đơn, xuất ngân sách ra làm dối trá, phong bì đụng đầu nhau”. 

Thủ tướng nói về việc không được về Hà Nội chúc Tết Thủ tướng, Phó Thủ tướng

Không những thế, Thủ tướng còn biến những lời nói thành những việc làm cụ thể, khi kiên quyết bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp qua vụ  “cà phê Xin chào”, “điện thoại cùi bắp” (TPHCM). Hành động của Thủ tướng đã tạo ra niềm tin và sự hứng khởi cho toàn dân và xã hội trong khởi nghiệp, làm ăn, buôn bán.  Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội tăng lên trong người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Ðiều đó được thể hiện ấn tượng qua con số 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016.

Từ đó, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng kết quả tăng trưởng GDP trong năm 2016 vẫn đạt 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á (5,5%), khu vực Ðông Nam Á (4,5%). Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kết quả trên đã khẳng định sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Chính phủ. “Nếu không có việc mất 1%GDP do thiên tai, hạn hán, mưa lũ, sự cố Formosa… thì tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Thanh nói.

Nêu gương tiết kiệm tiền thuế của dân

Không chỉ kiến tạo, phục vụ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn thể hiện sự liêm chính, tiết kiệm trong việc tiêu từng đồng tiền thuế của dân. Ngay từ ngày đầu nhậm chức, Thủ tướng đã nêu gương tiết kiệm bằng việc không mua xe mới, cũng như yêu cầu các cấp, ngành không tặng hoa chúc mừng “nhậm chức”.

Như vậy, chỉ tính riêng trong Chính phủ, gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành đã tiết kiệm hàng chục, hàng trăm lẵng hoa. Thủ tướng cũng yêu cầu Chính phủ và từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, ngành, đơn vị sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, tài sản, trụ sở, hội họp...

Trước thực tế, có nơi, có chỗ vẫn còn tình trạng “rồng rắn” xe công đi công tác, Thủ tướng đã có văn bản về việc tham gia đoàn công tác địa phương của lãnh đạo Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố khi tham gia đoàn công tác của Thủ tướng không được đi quá 3 xe; cấp Thứ trưởng nếu tháp tùng Thủ tướng sẽ phải đi xe chung do Văn phòng Chính phủ bố trí...

Thủ tướng cũng là lãnh đạo Chính phủ nêu gương yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị không được về chúc Tết , tặng quà Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và bộ trưởng.  “Xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch là các đồng chí Tết này không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các bộ trưởng nữa. Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội”, Thủ tướng tuyên bố.

Thủ tướng cũng thẳng thắn nói rằng: “Chúng ta gặp nhau hàng ngày, các đồng chí ở các tỉnh đi vào, đi ra, lên, xuống xếp hàng đến Hà Nội - làm xe nhiều quá, chạy chật cả đường. Mình gương mẫu cho nhân dân là rất cần thiết và làm như vậy sẽ nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí - nhất là làm giảm việc đi mua hóa đơn, xuất ngân sách ra làm dối trá, phong bì đụng đầu nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh lãng phí còn diễn ra nhiều nơi, nhiều chỗ, lãng phí từ cái to cho đến cái nhỏ, mới đây Thủ tướng đã yêu cầu các cấp ngành, trong năm 2017 mạnh mẽ phát động toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước phong trào tiết kiệm rộng rãi, chống xa hoa lãng phí, phô trương hình thức.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu: “Tiết kiệm từng đồng bạc của dân”; “tiêu từng đồng tiền thuế của dân thì cần phải suy nghĩ thấu đáo”. Bởi một Chính phủ không hướng về nhân dân thì người dân sẽ không ủng hộ. Nếu hướng về dân, có dân thì sẽ có tất cả, không có dân là mất tất cả.

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ trưởng phải chủ động, quán xuyến công việc, đổi mới phương pháp làm việc, đề cao trách nhiệm cá nhân, không để nhũng nhiễu, tiêu cực, vì nhiệm vụ chung và lợi ích của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương phải vượt qua lợi ích cục bộ, vượt qua tư duy nhiệm kỳ để thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế. “Tái cơ cấu trước hết là ở chính mình, trong nội bộ ngành mình”, Thủ tướng yêu cầu.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.