Chính phủ phải giải trình đầy đủ hơn

Tàu cao tốc tại Nhật Bản. Ảnh: Đình Thắng
Tàu cao tốc tại Nhật Bản. Ảnh: Đình Thắng
TP - Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp ngày 24-5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, sau khi tổng hợp các ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội- TPHCM, sẽ yêu cầu Chính phủ giải trình đầy đủ hơn về dự án này, đặc biệt là khả năng huy động vốn.

>> Cần khôn ngoan tránh vết xe đổ của Nhật
>> Các siêu dự án và nguy cơ nợ nần

Tàu cao tốc tại Nhật Bản. Ảnh: Đình Thắng
Tàu cao tốc tại Nhật Bản. Ảnh: Đình Thắng.


Xác định rõ nguồn vốn

Tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đủ thông tin để đưa ra quyết định về dự án này, vậy Quốc hội có đề nghị gì với Chính phủ không, thưa ông?

Do còn nhiều ý kiến trái ngược nhau nên tôi đã yêu cầu Chính phủ, căn cứ vào ý kiến tổng hợp của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT để lọc ra một số vấn đề nổi cộm. Từ đó, yêu cầu Chính phủ chuẩn bị báo cáo, giải trình đầy đủ hơn về dự án này. Tùy theo độ dài của báo cáo mà đưa ra phương án, gửi các đại biểu Quốc hội nghiên cứu hoặc sẽ trình bày trực tiếp tại hội trường vào hôm thảo luận đề án này.

Tôi đã lưu ý, trong báo cáo giải trình thêm phải thể hiện được sự liên kết lợi ích giữa các ngành, các lĩnh vực, để rồi từ đó thực hiện chủ trương xã hội hóa về vốn. Trong một dự án lớn như thế thì phải có bao nhiêu dự án thành phần và mỗi dự án thành phần ấy thì nguồn vốn từ đâu? Xác định rõ nguồn vốn cụ thể bao nhiêu, trong một thời gian dài như thế thì mỗi năm vốn Nhà nước bỏ ra bao nhiêu?, vốn của các tổ chức kinh tế bao nhiêu. Khi đó, mới có cơ sở xem xét và có những ý kiến xác đáng được.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) có đề xuất nên trưng cầu dân ý với dự án này như đang làm đối với đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, quan điểm của ông ra sao?

Trưng cầu dân ý bây giờ cũng có nhiều cách, chứ không phải nhất thiết theo cách các nước đang làm. Quốc hội có trang web, Chính phủ cũng có trang mạng. Các hình thức hội thảo, hội nghị cũng là lấy ý kiến đóng góp cho dự án. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có luật quy định về việc trưng cầu dân ý.

Đang lắng nghe ý kiến chuyên gia

Thế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường khi được hỏi ý kiến đều bày tỏ băn khoăn, lo ngại về dự án này. Những ý kiến này sẽ được xem xét ra sao, thưa ông?

Tôi nghĩ là bây giờ phải nghiên cứu sâu. Ai cũng nói mình có luận cứ thì sợ hơi vội vàng. Quốc hội sẽ lắng nghe nhiều chiều, nghe ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, các chuyên gia. Những dự án lớn như thế này phải được phân tích và giải trình sâu hơn nữa.

Chính phủ phải giải trình đầy đủ hơn ảnh 2

Ví như, một dự án chung nhưng có ít nhất 4 dự án thành phần: một là đường, hai là tàu, ba là đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư, bốn là các nhà ga. Rất có thể đường là nhà nước đầu tư, tàu là tư nhân đầu tư, đền bù, tái định cư sẽ thực hiện gắn với hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp.

Khi đó, các nhà đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp sẽ lấy vốn của mình để giải quyết vấn đề này. Nhà nước chỉ bỏ một phần vốn. Nhà ga sẽ gắn với trung tâm kinh tế, trung tâm thương mại, có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư. Phải phân tích kỹ thì mới có sức thuyết phục.

Tuy nhiên, khi thẩm tra dự án này, Ủy ban KH,CN&MT vẫn băn khoăn và đề nghị lùi đến kỳ họp sau để quyết chủ trương này...?

Bây giờ Quốc hội chưa quyết định gì cả. Nhưng theo tôi, từ khi có chủ trương đến khi bắt đầu triển khai thực hiện cũng phải mất trên dưới 8 năm. Chứ không phải ngày một ngày hai mà làm được. Như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cũng vậy, phải có thời gian chuẩn bị, mất từ 6 đến 8 năm. Điều này còn liên quan đến năng lực quản lý, văn hoá của những người tham gia giao thông và khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Ngay Hà Nội bây giờ, đèn đỏ rồi nhưng một số người dân vẫn “đường ta ta cứ đi”.

Một số đại biểu cho rằng, Quốc hội khóa XII là nhiệm kỳ quyết định rất nhiều vấn đề trọng đại của đất nước như mở rộng Hà Nội, xây dựng Nhà máy điện hạt nhân với tổng vốn hàng chục tỷ USD, sắp tới quy hoạch Hà Nội dự kiến cần 90 tỷ USD. Nếu Quốc hội tiếp tục thông qua dự án này, liệu thế hệ con cháu chúng ta có đủ khả năng trả nợ, thưa ông?

Quốc hội không bao giờ quyết định mọi thứ dễ dàng. Quốc hội đều cân nhắc rất kỹ lưỡng, và phải có cách tiếp cận cả bề rộng, cả chiều dài. Bề rộng là mối quan hệ lợi ích giữa các ngành, các lĩnh vực, các địa phương với nhau, chiều dài là khả năng chịu đựng của kinh tế mà thực chất là chịu đựng của nhà nước, cả trước mắt và lâu dài. Cho nên chọn phương án nào, Quốc hội sẽ bàn kỹ mới quyết định

Như dự án đường Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng chúng ta chưa tính toán kỹ đến địa chất, địa hình, yếu tố tác động môi trường. Đối với dự án đường sắt cao tốc, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm gì, thưa ông?

Chúng ta đã đi qua chặng đường đầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng ta đã rút kinh nghiệm của một số nước đi trước. Bây giờ làm gì cũng phải quán triệt tinh thần ba trụ cột để phát triển bền vững đó là: kinh tế, xã hội và môi trường.

Hà Nhân ghi

MỚI - NÓNG