Chính phủ sẽ trả lời trước Quốc hội về lạm phát

Chính phủ sẽ trả lời trước Quốc hội về lạm phát
Bên hành lang phiên họp, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của QH đã trả lời phỏng vấn báo chí về sự "leo thang" của giá cả có liên quan đến thị trường chứng khoán.

Ông cho biết:

Theo đánh giá của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I đã vượt trên 9%, đã vượt so với chỉ tiêu 8,5-9%  so với nghị quyết của QH. Lạm phát của đất nước ta đang ở vào thời điểm phức tạp.

Chúng tôi thấy bước đầu lạm phát cũng đang có xu thế chững lại. Biểu hiện như đồng USD tăng lên, giá vàng không còn quá cao, một số giá cả đã đi vào giá thực.

Đặc biệt thị trường chứng khoán tuy rằng thời gian qua chỉ số VN-Index tụt xuống dưới đáy 500 điểm khiến chúng ta phải quan tâm. Lạm phát tác động rất lớn đối với nền kinh tế và đời sống của người dân nhất là đối với người có thu nhập thấp.

Nhưng hiện nay, Chính phủ cũng đã có chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp.

- Chính phủ đã đưa ra quá nhiều giải pháp - kiềm chế lạm phát và cứu thị trường chứng khoán, ông có cho rằng những giải pháp đó có sự xung đột nhau?

- Hiện có hai ý kiến, có ý kiến cho rằng cũng cần lựa chọn giải pháp mạnh tìm tận gốc để chặn đứng ngay lạm phát nhưng cũng có ý kiến cho rằng phải có những giải pháp đồng bộ. Tôi nghiêng theo hướng cần có giải pháp đồng bộ trong đó lựa chọn những giải pháp ưu tiên hơn để tập trung khắc phục.

Còn trong thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ nhất là tỉ giá hối đoái nó là những bình thông nhau, khi thị trường chứng khoán giảm thì những thị trường khác như bất động sản và tiền tệ sẽ nâng lên một cách đột biến.

Vừa qua chúng ta thấy thị trường chứng khoán tụt đến đáy nhưng lúc này sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư có tài lực lớn tranh thủ mua vào. Hơn nữa việc giá vàng giảm, giá đồng USD tăng lên khiến cho chúng ta tin tưởng mọi cái đang trở về bình ổn.

Tuy nhiên cũng không tránh khỏi sự khắc chế giữa các giải pháp nhưng cần chọn giải pháp tối ưu khắc chế ít hơn cả để sử dụng.

- Một trong những nguyên nhân khiến giá cả tăng cao, lạm phát tăng đó chính là sự độc quyền trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như điện, than, ximăng đều muốn tăng giá do giá đầu vào tăng.

Việc tăng giá các ngành này sẽ là hiệu ứng tăng giá chung cho hầu hết các mặt hàng khác. Vậy Quốc hội sẽ giám sát vấn đề này như thế nào?

- Trong yếu tố tăng giá có yếu tố độc quyền nên đã tạo ra một giá cả bất hợp lý. Trong thời gian tới, tôi nghĩ QH chắc chắn phải có quan điểm rõ ràng kể cả giám sát, đưa vào các đạo luật để khắc phục vấn đề này nhằm chống đầu cơ, độc quyền.

Chúng ta đang bước vào cơ chế thị trường và đang trong quá trình hội nhập muốn chống độc quyền không phải ngày một ngày hai. Dù Chính phủ có đưa ra hàng loạt giải pháp nhưng khi chúng ta chưa có nhiều nhà cung cấp, chưa có sự cạnh tranh lành mạnh thì khó có giá cả hợp lý. Và khi đó, các giải pháp được đưa ra chưa phải là giải pháp lâu dài.

- Nghị quyết về tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (dưới 8,5-9%) đã được QH thông qua. Tuy nhiên, Chính phủ đã khẳng định không đạt được mục tiêu. Liệu Chính phủ có phải giải trình trước QH tại kỳ họp tới hay không?

- Tôi nghĩ chắc chắn Chính phủ sẽ phải trả lời trước QH vì sao không thực hiện được. Đã là nghị quyết thì Chính phủ phải chấp hành và thực thi nhưng nếu không thực hiện được thì phải báo cáo với QH nguyên nhân vì sao không thực hiện được.

Theo Lao Động

MỚI - NÓNG