Chính quyền đô thị: Cán bộ lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm xử lý ra sao?

Nhiều điểm mới khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội. Ảnh minh họa
Nhiều điểm mới khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội. Ảnh minh họa
TPO - Khi thực hiện thí điểm, HĐND, UBND thành phố sẽ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm.

Bộ Nội vụ vừa hoàn tất dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Về tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh. Trong đó, tiêu chuẩn chung của cả hai chức danh gồm các quy định về phẩm chất đạo đức, chính trị, sức khỏe, độ tuổi (đối với bổ nhiệm lần đầu). Đối với tiêu chuẩn cụ thể gồm các quy định về năng lực chỉ đạo, điều hành, thực hiện công việc, kinh nghiệm công tác, trình độ tin học, ngoại ngữ, bằng cấp...

Dự thảo cũng quy định thời hạn bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường tương tự như thời hạn bổ nhiệm của công chức lãnh đạo theo quy định của pháp luật hiện hành (5 năm). Chủ tịch phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở một đơn vị hành chính phường. Trường hợp Quốc hội có Nghị quyết chấm dứt việc thực hiện thí điểm, thì việc sử dụng, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường và các công chức khác ở phường thực hiện theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Một trong những điểm đáng lưu ý, do thay đổi về mô hình tổ chức, hoạt động của UBND phường và quy định về công chức phường nên trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường thí điểm.

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường do HĐND phường bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; là chức danh cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2021, tại các phường trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường được xác định là công chức lãnh đạo, quản lý và do Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm.

Vì vậy, dự thảo Nghị định đề xuất theo phương án: Thời gian giữ chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường trước thời điểm ngày 1/7/2021 được tính vào nhiệm kỳ giữ chức vụ Chủ tịch phường quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định (không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở một đơn vị hành chính phường).

“Hoàn thành tốt nhiệm vụ” được xét chuyển công chức

Về xét chuyển công chức, dự thảo của Bộ Nội vụ quy định, kể từ ngày 1/7/2021, công chức đang làm việc tại UBND phường nếu đạt đủ tiêu chuẩn của công chức quận và được Chủ tịch phường đánh giá “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên thì được xét chuyển thành công chức thuộc biên chế của UBND quận.

Căn cứ biên chế công chức làm việc tại UBND phường, Phòng nội vụ quận giúp Chủ tịch UBND quận rà soát hồ sơ xét chuyển công chức làm việc tại UBND phường. Sau khi có ý kiến thống nhất của Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND quận ban hành quyết định xét chuyển công chức đang làm việc tại UBND phường thành công chức thuộc biên chế của UBND quận.

“Trường hợp công chức đang làm việc tại UBND phường không được xét chuyển thành công chức thuộc biên chế của UBND quận thì bố trí, sắp xếp công việc khác hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành”, dự thảo nêu rõ.

Về giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện thí điểm sẽ do HĐND, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường và các trường hợp đang đảm nhiệm chức danh trên nhưng không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường quy định tại Nghị định này. Dự thảo quy định, thời gian sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách phải hoàn thành trước ngày 1/7/2021.

Đối với cán bộ, công chức phường thuộc diện dôi dư do phải sắp xếp thì căn cứ theo từng đối tượng mà thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành và chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức ở phường thuộc diện dôi dư do phải sắp xếp khi thực hiện thí điểm do HĐND thành phố Hà Nội quy định.

Về cán bộ thuộc cấp ủy đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở phường: Theo dự thảo Nghị định thì công chức làm việc tại UBND phường là công chức thuộc biên chế của UBND quận. Vì vậy, đối với cán bộ chuyên trách cấp xã (gồm: Bí thư đảng ủy, Phó Bí thư thường trực đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội) ở các phường thì thực hiện theo quy định của Đảng và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.