Chính quyền đô thị ở Hà Nội: Ai giám sát quyền lực của quận trưởng?

TPO - Xung quanh Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nhiều ý kiến đề xuất bỏ HĐND cấp phường, nghiên cứu việc sáp nhập các đơn vị hành chính, có các chức danh mới như quận trưởng, phường trưởng.  Nhưng vấn đề đặt ra là ai giám sát quận trưởng, phường trưởng khi bỏ HĐND cùng cấp.

Bỏ HĐND, sáp nhập các phường

Nhiều ý kiến của Bí thư Đảng ủy các phường trên địa bàn quận Đống Đa đồng tình với chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường, cùng với đó xem xét việc bỏ HĐND cấp phường. “Nên nghiên cứu việc bỏ HĐND cấp phường. Tôi có 13 năm làm ở HĐND, có thể nói HĐND quyền hạn rất lớn nhưng để thực hiện rất khó. Đại biểu HĐND phường đa phần là cán bộ hưu trí, thực hiện chức năng giám sát rất hạn chế”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung chia sẻ.

Chính quyền đô thị ở Hà Nội: Ai giám sát quyền lực của quận trưởng? ảnh 1 Hà Nội đang lấy ý kiến của các quận, huyện, sở ngành về việc tổ chức chính quyền đô thị. Ảnh: Trường Phong.

Ông Vương Thế Dương, Bí thư Đảng ủy phường Khương Thượng đặt câu hỏi, mỗi năm HĐND phường giám sát được mấy kỳ cuộc. Thực tế, người dân cũng không đến nơi đại biểu HĐND phường tiếp xúc cử tri mà đến gặp thẳng Bí thư, Chủ tịch phường. “Nên chăng không nhất thiết tổ chức thiết chế HĐND cấp phường. Chi phí bộ máy cũng khá lớn. Nhất thể hóa cấp ủy đảng, chính quyền là xu hướng có tính khách quan. Cơ chế kiểm soát quyền lực thì khi bỏ HĐND, phải tăng kiểm soát quyền lực qua lăng kính của nhân dân...”, ông Dương nói.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cũng cho rằng, nên thực hiện phương án không tổ chức HDND phường mà chỉ có UBND. Đây là phương án có tính khả thi, tinh gọn được bộ máy, đồng thời vẫn thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở phường.

Ông Phong cũng nhấn mạnh, hiện nay, mọi thứ đã thay đổi, từ cơ sở hạ tầng đến năng lực, trình độ của cán bộ, công chức và nhân dân nên quy mô các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như hiện nay không phù hợp, nên mở rộng hơn, đặc biệt là quy mô của các đơn vị hành chính cấp xã. Các xã, phường, thị trấn cần phải có quy mô bằng hai hoặc ba lần so với hiện tại.

Theo ông Phong, việc mở rộng quy mô các đơn vị hành chính và tổ chức lại các cơ quan chính quyền địa phương có nhiều cái lợi như giảm bớt được số lượng các đơn vị hành chính, việc quản lý thuận lợi hơn, nhất là các đơn vị hành chính cấp phường; giảm bớt số lượng đội ngũ những người nhận lương từ ngân sách nhà nước; giảm bớt số người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; nâng cao hơn trách nhiệm công vụ. Cùng với đó, có điều kiện phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương, nhất là cấp phường.

“Trình độ của nhân dân cũng được nâng cao, nhất là trong mối quan hệ với chính quyền. Ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật trong nhân dân đã được củng cố, nâng cao. Hơn nữa, khả năng tự điều chỉnh và hoạt động tự quản của các cộng đồng dân cư ngày càng được phát huy. Trình độ và năng lực quản lý của cán bộ, công chức ở địa phương đã được nâng cao đáng kể”, ông Phong nêu quan điểm.

Ông Phong cho rằng, nên tổ chức cơ quan hành chính quận, phường, thị xã theo thiết chế thủ trưởng hành chính đứng đầu là quận trưởng, phường trưởng, thị trưởng thay vì thiết chế UBND như hiện nay. Thiết chế thủ trưởng hành chính được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, phường, thị xã.

Giám sát thế nào?

Cũng có đại biểu lo ngại việc không tổ chức HĐND cấp phường gây ra xáo trộn trong bộ máy, đặc biệt mất đi vai trò giám sát, dẫn đến tình trạng lạm quyền, mất đi vai trò đại diện cho quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, HĐND cấp phường chủ yếu hoạt động hình thức, công tác giám sát nên tập trung sang Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể.

“Khi bỏ HĐND thì MTTQ phải có tiếng nói. Bỏ HĐND thì cũng thống nhất quan điểm quận bổ nhiệm Chủ tịch UBND phường, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường...”, ông Đinh Nguyên Mạnh, Bí thư Đảng ủy phường Thổ Quan chia sẻ.

Nhiều ý kiến cũng đồng thuận với quan điểm khi bỏ HĐND cấp quận, phường thì lãnh đạo cấp trên bổ nhiệm trực tiếp lãnh đạo quận, phường, nếu không đảm bảo được công việc thì thay thế bằng người khác.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang nghiên cứu nhiều mô hình, có cả việc giữ hay bỏ HĐND cấp quận.

“Vừa rồi các tỉnh, thành phố thông qua mô hình chính quyền đặc khu cũng thiên về phương án không còn HĐND cấp quận. Nhưng nếu còn thì cũng phải tính toán lại theo hướng tăng cường chuyên trách, giảm số đại biểu HĐND quận. Ví dụ hiện nay, Chủ tịch UBND quận, Trưởng phòng cùng là đại biểu HĐND thì giám sát, chất vấn, quyết định đều rất hạn chế. Nếu còn HĐND thì phải độc lập với UBND, thậm chí có mô hình Chủ tịch UBND quận là do bổ nhiệm chứ không phải HĐND bầu. Bầu thì vẫn có tình trạng e ngại, nể nang, né tránh. Bổ nhiệm có thời hạn, nếu không được thì làm lại. Bây giờ miễn nhiệm một ông Chủ tịch UBND quận vô cùng khó khăn nếu không quyết liệt”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp các phòng ban, chính quyền 1 cấp hay 2 cấp. “Chúng tôi suy nghĩ và có nhiều phương án. Có thể chính quyền vẫn còn 3 cấp như hiện nay, nhưng rõ ràng phải còn ai hay không còn ai, thậm chí chính quyền chỉ còn 2 cấp là thành phố và quận, phường là đơn vị hành chính”, ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, muốn thế, phải tăng cường dịch vụ công, theo hướng tách bạch giữa quản lý nhà nước với dịch vụ công và những việc người dân phải thực hiện. “Bây giờ chức năng chồng chéo nhiều quá. Phải nghiên cứu, giữa thành phố với quận, với phường, giữa các ngành với nhau. Một số chức năng thành phố cũng có một tí, quận cũng có một tí, không ai chịu trách nhiệm chính...”, ông Bảo nói.

MỚI - NÓNG