Làng bị sụt đất ở Quảng Trị:

Chính quyền giữ tiền hảo tâm của dân để làm gì ?

Chính quyền giữ tiền hảo tâm của dân để làm gì ?
TP - Hơn một năm qua, người dân ở khu tái định cư động Do Lý đã nhiều lần thỉnh cầu điện và nước sinh hoạt nhưng chỉ nhận được lời hứa : sẽ làm! Trong khi đó, số tiền cả nước ủng hộ nóng cho dân Tân Hiệp sau vụ sụt đất vẫn còn 146 triệu đồng huyện Cam Lộ đang giữ...
Chính quyền giữ tiền hảo tâm của dân để làm gì ? ảnh 1

Người dân khu tái định cư động Do Lý không biết đợi điện, nước đến bao giờ.                         Ảnh: Hữu Thành

Thôn Tân Hiệp, xã cam Tuyền, huyện Cam Lộ, 20 tháng sau vụ sụt đất kinh hoàng (Tiền phong đã nhiều lần phản ánh), khiến 98 hộ dân phải rời làng đến vùng tái định cư, vẫn chưa yên.

Thôn trưởng Phan Văn Phương cho biết từ ngày về vùng tái định cư động Do Lý, đến nay hơn một năm, nhưng 33 hộ dân của đợt di dời lần 2 vẫn sống trong cảnh tối tăm, vì không có điện thắp sáng, nước sinh hoạt.

Nheo nhóc, thảm thương

Ông Trần Văn Trang, Trưởng xóm  bức xúc : “Toàn bộ 33 hộ dân chính thức rời khỏi làng mình từ tháng 11/2006. Hôm vận động bà con dời đi, cả xã Cam Tuyền lẫn chính quyền huyện Cam Lộ hứa bà con cứ ra khu tái định cư, chúng tôi sẽ kéo điện về thắp sáng và khoan giếng nước sinh hoạt cho bà con. Hơn một năm rồi, từ ngày ra khu đất mới đến nay dân nghèo chúng tôi chờ dài cổ họng chẳng thấy điện, nước đâu”.

Cũng theo ông Trang, nhiều lần đại biểu HĐND về tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh tình trạng bức xúc này, các vị hội đồng ghi ghi, chép chép nhưng cũng chẳng thấy gì. Cụ Trần Văn Chù, 85 tuổi, giọng buồn buồn: Tội nhất là các cháu học sinh.

Ở làng cũ, có điện sáng học bài quen rồi. Từ khi đến làng mới các cháu phải thắp đèn dầu tù mù ngồi học bài, khổ quá. Không thuộc bài, học sinh không dám đến trường học. Tôi có 3 đứa cháu mà đứa nào cũng đòi bỏ học vì sống cảnh tối tăm này, các cháu  không sao học  bài được.

Thương con, nhiều người vẫn ở lì trên vùng sụt đất nguy hiểm, không chịu ra khu động Do Lý. Anh Trần Văn Quyết, cho biết: “Tôi ra làm nhà  trong khu tái định cư nhưng không về ở, vì chưa có điện, nước.

Để con có đèn điện học bài, gia đình tôi  phải ở liều trên vùng đất sụt lở. Ban đêm, mỗi lần trời mưa, vợ chồng tôi ngồi canh cho con ngủ, phòng đất có sụt kịp bồng con chạy”.

Chuyện điện đã khổ, nước sinh hoạt càng khổ hơn. Người dân ở động Do Lý phải đi xa gần 3 km, về lại làng cũ mới lấy được nước sinh hoạt. Thiếu nước, trẻ em trong làng phải ra khe suối tắm, giặt.

Muốn đào giếng lấy nước, ít nhất tốn 3 triệu đồng. Nghèo khổ, bà con lấy tiền đâu ra. Điện không có thắp sáng, nhà tối om, nước không có uống, trẻ con nheo nhóc, nhìn hết sức thảm thương.

Người dân thôn Tân Hiệp nghèo nhất, nhì tỉnh Quảng Trị. Vốn trước đây họ là dân vạn chài rồi lên bờ định cư làm ăn. Bà con tuy là nông dân nhưng chẳng có nhiều ruộng đất.

Mỗi gia đình nhiều lắm chỉ được một sào ruộng.  Do không có nước nên ruộng lúa chỉ cấy được một mùa. Thiên tai ụp xuống làm cho người dân đã khó lại càng nghèo khổ hơn. Đến vùng đất mới, đa số gia đình phải sống bằng nghề đi tìm phế liệu chiến tranh bán kiếm tiền sống qua ngày.

Đợi đến bao giờ?

Sau khi xảy ra vụ sụt đất đau thương tại làng Tân Hiệp vào tháng 2/2006, nhiều người hảo tâm khắp cả nước đã gửi tiền, hàng về kịp thời động viên, giúp đỡ bà con sớm gượng dậy sau thiên tai. Số tiền ủng hộ nóng này hiện vẫn còn 146 triệu đồng (chưa chi hết), huyện Cam Lộ đang giữ.

Thương anh em cùng cảnh ngộ, 60 hộ ở thôn Tân Hiệp di dời trước (được hưởng tài trợ của ông Hoàng Kiều) đề nghị chính quyền dành 146 triệu còn lại đầu tư kéo đường dây điện giúp cho 33 hộ dân ra sau. Đề nghị của bà con khẩn thiết đến vậy, song vẫn chưa được những người có trách nhiệm lắng nghe. 

Chủ tịch xã Cam Tuyền - Nguyễn Thanh Trung, cho biết: “Mỗi hộ dân ở Tân Hiệp khi di dời đến nơi ở mới được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, trong đó 6 triệu là tiền làm nhà, 4 triệu đồng tiền mua gạo và dụng cụ sản xuất.Với số tiền này rất khó để bà con tạo dựng được một cuộc sống ổn định ở vùng đất mới.

Xã nhiều lần kiến nghị với huyện, Ban Định canh Định cư của tỉnh gấp rút đầu tư điện, nước cho dân, họ trả lời đợi khi kéo đường điện cao thế đi qua mới hạ được trạm điện cho 33 hộ này. Còn nước sinh hoạt cũng đã khoan thăm dò nhưng khi nào làm cho dân thì cũng không biết được”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ? 

MỚI - NÓNG