Chính sách sơ hở thì dễ bị lợi dụng!

Chính sách sơ hở thì dễ bị lợi dụng!
TP - Cả ngàn héc-ta rừng đặc dụng đã được thí điểm cho thuê làm du lịch sinh thái trong khi khung pháp lý cho việc này còn rất mù mờ. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT dự định mở rộng mô hình cho thuê môi trường rừng làm du lịch.

>> Băm nát rừng đặc dụng để làm du lịch

Chính sách sơ hở thì dễ bị lợi dụng! ảnh 1
Ông Tô Đình Mai

Trao đổi với Tiền Phong ông Tô Đình Mai, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cảnh báo: “phải hết sức cẩn trọng”.

Việc nhiều Vườn quốc gia (VQG) được thí điểm cho DN thuê môi trường đến cả ngàn héc-ta rừng để kinh doanh du lịch sinh thái  trong khi cơ sở pháp lý của việc này lại chưa có, quan điểm của ông về việc này ra sao?

Chúng ta phải xác định rõ quyền tài sản thuộc về ai. Có những đơn vị mới chỉ được nhận quyền quản lý rừng còn quyền tài sản chưa hoàn chỉnh. Bởi muốn hoàn chỉnh thì phải đăng ký tài sản trên cơ sở Luật Đất đai.

Như vậy, điều đầu tiên là phải làm rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản của người được giao, người cho thuê thế nào?

Thứ hai, những diện tích đang thí điểm thì cần đánh giá đúng tình hình thực tế. Thứ ba là số tiền thu được từ kinh doanh du lịch sinh thái trên rừng đặc dụng thì ai được hưởng lợi?

Tôi cho rằng, số tiền thu được ấy phải trả lại cho rừng, để phát triển rừng tốt hơn.

Theo lập luận của ông, hầu như tất cả các VQG  đều chưa được cấp “sổ đỏ” cho diện tích rừng đang quản lý, nhưng đã cho DN thuê xây dựng biệt thự, bể bơi nhằm kinh doanh du lịch phải hiểu thế nào?

Trước đây, cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ giao cho dân khoanh nuôi, bảo vệ thì tuyệt đối không được xây dựng nhà cửa kiên cố. Anh thuê mà sử dụng không đúng thì phải thu hồi.

Trong trường hợp đa dạng hóa sở hữu thì công tác quản lý nhà nước cần phải được tăng cường, phải đi trước, từ xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, quy hoạch, cho đến thanh tra, kiểm tra.

Vẫn biết là không có chính sách nào tuyệt đối không có rủi ro. Nhưng điều lo ngại là trong quá trình hoạch định, hầu như cơ quan quản lý nhà nước không dự báo được, hoặc không muốn dự báo những rủi ro sẽ xảy ra.

Cho thí điểm nhưng khi tổng kết lại chỉ chăm chăm tổng kết thành tích, mà bỏ qua việc tổng kết tác động, hậu quả sau này là gì.

Ông lo ngại gì khi hàng loạt VQG đang được “cải thiện cuộc sống” bằng cách cho các Cty thuê rừng làm du lịch?

Nếu chúng ta tiến sâu vào rừng, nhất là làm du lịch sinh thái nhưng lại không hiểu du lịch sinh thái là gì thì mặt giáo dục cũng không đạt được, bảo vệ môi trường lại càng không. Làm đủ thứ trong VQG thì chết thôi. Cảnh quan thay đổi, môi trường bị hủy hoại.

Nói thật là, vì chính sách của chúng ta có sơ hở nên rất dễ bị lợi dụng. Ví như, những đơn vị thuê môi trường rừng làm du lịch đơn thuần là các tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Vậy trường hợp rừng mất rồi thì họ có sẵn sàng đứng ra để phục hồi không? Do vậy, chúng ta phải hết sức tránh “phong trào ồ ạt” và hết sức cẩn trọng.

Xin cảm ơn ông.

Hà Nhân
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.