Chính thức dừng đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân

Chính thức dừng đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân
Kết thúc buổi làm việc sáng nay (21/6) của UBND TP.HCM với các cơ quan ban ngành, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài chính thức thông báo, đề án nghiên cứu thí điểm CPH Bệnh viện Bình Dân được chính thức dừng lại, kể từ ngày hôm nay.

Thành phố sẽ nghiên cứu đề án thí điểm CPH một bệnh viện khác.

Trao đổi với phóng viên tại buổi làm việc sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM giải thích:

“Trước hết, phải khẳng định chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ là một chủ trương đúng.

Việc lập đề án thí điểm CPH Bệnh viện Bình Dân của UBND TP.HCM đã được Chính phủ cho phép. Chủ trương CPH Bệnh viện Bình Dân vẫn không ngoài mục đích phục vụ cho công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tốt hơn.

Đề án nghiên cứu thời gian qua được thành phố nghiên cứu thận trọng, chu đáo, tính khả thi cao, và đang tiếp tục được hoàn chỉnh. Nhưng vì thời gian qua còn nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến đồng tình, có ý kiến chưa đồng tình, có ý kiến lo ngại.

Trước tình hình như vậy, thấy việc này còn quá mới mẻ, nên thành phố cần có thời gian tiếp tục làm rõ thêm các vấn đề. Vì vậy, UBND TP quyết định ngưng hẳn đề án CPH Bệnh viện Bình Dân. Còn chủ trương chung là xã hội hóa Y tế và Giáo dục là không thay đổi”.

Sau buổi làm việc sáng nay, ông Nguyễn Thành Tài đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề cổ phần hoá bệnh viện.

Ông Tài nói: "Cơ sở vật chất của ngành y tế còn hạn chế, vẫn còn tình trạng quá tải. Ngoài việc đầu tư ngân sách trên 20% chi thường xuyên cho y tế, giáo dục, lãnh đạo TP.HCM đã suy nghĩ nhiều biện pháp huy động nguồn lực của xã hội. CPH Bệnh viện Bình Dân nhằm huy động thêm nguồn lực xã hội để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo đội ngũ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn.

CPH nhưng không được chệch hướng bình đẳng trong khám chữa bệnh, phải có cách thức chăm lo cho người nghèo ở diện chính sách. Đề án phải đảm bảo sự điều chỉnh, chi phối của Nhà nước, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đảng.

Việc chọn lựa CH Bệnh viện Bình Dân đã có cân nhắc, thảo luận, xin ý kiến của Thủ tướng. Sau khi Thủ tướng cho phép xây dựng đề án làm thí điểm, đề án đã có thời gian chuẩn bị trên 3 năm.

Tuy nhiên, trước tình hình có nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Thành uỷ, Thường trực HĐND và UBND TP cân nhắc và báo cáo với Thủ tướng cho ngưng việc nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm CPH Bệnh viện Bình Dân, nhưng đồng thời xin phép tiếp tục thực hiện chủ trương của TW, nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm cổ phần hoá một cơ sở y tế khác.

Dù ngưng xây dựng đề án CPH Bệnh viện Bình Dân, nhưng TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư bằng ngân sách cho Bệnh viện Bình Dân để tiếp tục nâng cấp, nhằm chăm lo sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là người nghèo tốt hơn".

- TP sẽ thí điểm cổ phần hoá cơ sở y tế nào?

- Thủ tướng đã cho phép TP cổ phần hoá một số cơ sở y tế. Hiện, chúng tôi chưa xác định sẽ thí điểm với cơ sở y tế nào. Tuy nhiên, đó sẽ là cơ sở cần nâng cấp để thực hiện chức năng của một bệnh viện đúng nghĩa: có năng lực khám, có đủ điều kiện điều trị tốt.

Có ý kiến đề xuất chọn một bệnh viện đa khoa cỡ vừa để thí điểm. Dù CPH cơ sở nào, mục tiêu vẫn là không làm chệch hướng bình đẳng trong chăm sức khoẻ nhân dân.

- Đề án thí điểm CPH Bệnh viện Bình Dân đã ngưng, trong khi đã có nhiều người mua bán cổ phiếu. Việc này cần được giải quyết ra sao?

- Tung tin bán cổ phiếu, rao giá cổ phiếu là việc làm không đúng. Đã có gì đâu mà bán, đề án còn chưa xây dựng xong mà. Người nào chịu mua cái chưa có thì đành chịu thôi.

- Tại sao không chọn những cơ sở y tế không còn có khả năng duy trì hoạt động để CPH?

- Nếu cơ sở tệ quá có thể bán hoặc tuyên bố phá sản. Còn đối với những cơ sở có tiềm lực nhưng quản lý yếu, đầu tư chưa đúng mức, còn hạn chế đầu tư, thì có thể vực dậy bằng nhiều cách. Sở dĩ trước đây chúng tôi chọn cổ phần hoá Bệnh viện Bình Dân vì TW giao thí điểm đối với bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.

- Sao không chọn mô hình bệnh viện công ra công, tư ra tư? Đối với những bệnh viện không đầu tư được nữa, liệu có nên chọn giải pháp đưa ra bán đấu giá để biến thành bệnh viện tư?

- Tất nhiên CPH chỉ là một biện pháp để huy động đầu tư, ngoài ra còn nhiều hình thức khác. Biện pháp bán bệnh viện nói trên mới là suy nghĩ ban đầu, để thực hiện còn vướng nhiều vấn đề khác. Người mua phải có đội ngũ, không có đội ngũ làm sao mà làm. Một số bệnh viện cổ phần và bệnh viện tư vẫn phải lấy danh những bác sỹ có uy tín đấy thôi.

- Ông dự định lấy ý kiến dư luận về đề án thí điểm CPH bệnh viện sau này như thế nào?

- Cần lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều giới, tổ chức, như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, MTTQ, những nhà chuyên môn, nhà kinh tế... Những người đại diện phải hiểu biết và có đủ tư cách đại diện. Không thể lấy ý kiến một số người rồi nói đó là ý kiến của nhân dân. Việc phản biện phải dựa trên luận điểm, luận cứ, giải pháp của đề án, chứ không nói chung chung.

Theo Đặng Vỹ - Phạm Cường
VietnamNet

MỚI - NÓNG