Chó đá - đã chơi là nghiện

Tác phẩm sắp đặt bằng chó đá cổ tại Phủ Thành Chương.
Tác phẩm sắp đặt bằng chó đá cổ tại Phủ Thành Chương.
TP - Từ sau chiến tranh, chó đá “thất sủng”, dân buôn đồng nát có thể nhặt được chó đá ở bờ dậu, ngoài đồng hoặc trong đống gạch ngói vỡ. Sau đó, giới nghệ sĩ phát hiện vẻ đẹp của chó đá, lùng mua có hệ thống. Rất nhanh, sưu tập chó đá thành một thú chơi.

Bị hắt hủi mà đẹp

Những người chơi chó đá trong giới họa sĩ nói rằng, người “khơi dậy” thú vui này là họa sĩ Nguyễn Mạnh Ðức mà họ quen gọi là Ðức nhà sàn. Vào khoảng những năm 90, anh Ðức là người đầu tiên khoe những con chó đá bất chợt kiếm được qua nguồn “đồng nát”. Bị vẻ đẹp chất phác, có phần tối giản của những tác phẩm điêu khắc dân gian thu hút, nhiều họa sĩ đã nhờ anh Ðức gom tượng chó đá, trong đó có họa sĩ Thành Chương, Lê Thiết Cương, Quách Ðông Phương, Ðào Anh Khánh v.v… Những người này, không ai mua lẻ chó đá, người ít cũng mua vài chục con, người nhiều lên đến vài trăm con.

Anh Ðức kể, anh thích chó đá là di truyền từ bố, nhà văn Kim Lân. Sinh thời, ông Kim Lân chơi chó đá, để canh cổng, canh nhà… Khi lớn lên, đi sơ tán, anh vẫn chú ý đến những bức tượng chó đá ở trước đình, chùa, đầu cầu và nhiều nhất là trong nhà dân. Sau chiến tranh, người ta làm lại nhà mới, chùa mới, chó đá bị “thất sủng”, không ít con bị ném vào thùng vôi để tôi vôi. Khi anh Ðức bắt đầu mua chó đá, giá khoảng 50.000đ một con, con “to vật vã”, cao khoảng 80cm, nặng cả tạ cũng chỉ 150.000-200.000đ “là đẹp lắm”!

Hiện nay, số chó đá cũ từ thời trước kháng chiến ít dần đi. Giá chó đá đã tăng gấp mười, hai mươi lần so với thời Ðức nhà sàn sưu tập. Một con chó đá cũ đẹp vào thời điểm hiện tại có thể lên đến 10, thậm chí 20 triệu. Trước đây, đa số người chơi chó đá là nghệ sĩ. Hiện nay, nhiều người có tiền cũng thích sưu tập chó đá. Anh Ðức đã từng giới thiệu cho những người bạn mua đến hàng trăm con chó đá các kích cỡ, kiểu dáng, có cả dáng nằm (khá hiếm).

Theo nghiên cứu của anh Ðức: Xưa chỉ có người nông dân chơi chó đá. Nhà quan lại, phủ chúa, đình chùa miếu mạo thì bày nghê. Trong tiềm thức người nông dân, con chó không được coi trọng như con trâu, con lợn, thậm chí con gà. Vì những con kia là tài sản, chó không phải là tài sản. Mặc dù nó rất thiết thực, người ta đi, ở, chết đều có nó, nhưng có lẽ vì gần gũi quá, họ coi nó như vật dụng, hơn là một vật cưng.

Khi người ta làm chó đá cũng với thái độ như vậy, qua loa, ước lệ thế thôi. Cho nên, tượng chó đá cũ luôn ít nét. Nhưng con nghê khác, con hạc, rùa, phượng khác. Những con ấy biểu tượng cho các giá trị quyền lực, cho giàu có, cho trí tuệ, tài năng v.v… Người thợ khi đẽo đã bị chi phối bởi định kiến này, họ phải cố gắng tạo ra những hình ảnh “xứng đáng” chuẩn mực. Và khi người ta phải đục đẽo theo chuẩn, theo quy ước, nó sẽ chỉ còn tính thợ, mà mất đi tính sáng tạo.

Riêng con chó sống bên lề quy ước ấy. Nó gần gũi với người bình dân, nó không bị xem trọng quá. Chỉ là một con vật trung thành. Cho nên người nghèo làm chó đá theo tinh thần người nghèo, người giàu làm theo tinh thần người giàu. Gầy cũng được, béo ú cũng được, gọi là tùy tiện cũng được. Họ khá phóng túng trong nhận thức về con chó và không ý thức quá về hình ảnh. Nên nó lại rất tự nhiên. Khi nó tự nhiên thì nó đa dạng, nó đẹp, và phản ánh người làm ra nó rất rõ.

Anh Ðức khẳng định, những con chó đá anh từng tiếp xúc, từng chơi có đủ hình, đủ dạng: có con chó giàu có, uy nghi, có con chó nghèo, hèn, có con dũng cảm, trung thực, có con đểu giả, lưu manh, có con nguy hiểm, dữ dằn, có con hiền lành, đần độn…

Chó đá - đã chơi là nghiện ảnh 1 Ða số chó đá mới được làm giống như thật.

Chó đá phải nhiều mới đẹp!

Nhận xét chung của những người chơi chó đá là “chó đá cũ của người Việt cứ lu lu, ít nét. Có con chỉ phạt phạt qua và người xem hình dung là chó đá”. Ðặt chó đá bên những tác phẩm điêu khắc khác nó thường bị “nuốt chửng” và không gây hiệu quả thị giác. Nhưng khi sắp đặt hàng chục, thậm chí hàng trăm con chó đá cạnh nhau thì lại “rất oách”!

Một số họa sĩ đã lấy chó đá làm tác phẩm và gây được tiếng vang. Năm 2000, họa sĩ Nguyễn Minh Thành làm “Bữa tiệc chó” trưng bày 300 con chó trong nhiều hoàn cảnh, gia đình. Vì nó không tạo ra được sự đa dạng”.

Ở Phủ Thành Chương cũng có một tác phẩm chó đá sắp đặt, hàng chục con chó đứng xếp hàng nhìn về chữ thiên. 

Trong giới nghệ sĩ, người thích chó đá, “đến mức mê muội” phải kể đến đạo diễn Trần Anh Hùng. “Ðối với Hùng, chó đá chính là một thứ bất ngờ về mặt điêu khắc”, anh Ðức kể. Trần Anh Hùng phải mua đến hàng trăm con chó đá các loại, phần lớn, Hùng dành làm quà tặng cho bạn bè. Hùng có thể ngồi nói chuyện về chó đá cả ngày không chán dù vốn tiếng Việt hạn chế. Chó đá hiện nay trong nhà NSND Như Quỳnh, Phạm Việt Thanh… đều là do Trần Anh Hùng tặng.

Những người chơi chó đá bây giờ thường đặt thợ đẽo theo ý muốn của mình. Cho nên những con chó đá mới thường rất rõ nét, ngay ngắn “giống thật đến mức giật mình, nhưng không còn tính mỹ thuật”.

Những ai đang làm chó đá?

Gần đây, kỳ lân và tỳ hưu ít nhiều bị lạnh nhạt vì cái ẩn ý “trưởng giả” cũng như nguồn gốc ngoại lai của nó, chó đá có phần lên ngôi. Một thợ khắc đá ở Ninh Bình cho biết: gần Tết năm Tuất, trung bình mỗi ngày ông nhận 4-7 đơn hàng chó đá. Những người thích trưng chó đá cho rằng: đặt một con chó đá nghiêm ngắn, oai vệ trước cổng đỡ “trọc” hơn so với con tỳ hưu, hơn nữa về mặt tâm linh, còn có tác dụng “trấn yểm”, xua đuổi tà ma. Các làng đá hiện nay ở Ninh Bình, chùa Trăm Gian, Hà Nam, Ðà Nẵng… đều có nhận làm chó đá kiểu mới.

Duy nhất ở Kẻ Sặt, Hải Dương có ông Sáu Vợi năm nay 90 tuổi còn làm chó đá theo kiểu cũ. Ông sử dụng những tảng đá cũ đã có màu thời gian để điêu khắc. Giá trung bình 1,5-2 triệu một đôi chó đá nhỏ. Theo nhận xét của họa sĩ Mạnh Ðức thì: “chó của ông Sáu Vợi khá đẹp, vì ông ấy là dân chơi đồ cổ, chuyên làm những đồ phục cổ nên sản phẩm của ông có tinh thần, hồn vía Việt xưa”. Hiện chó đá của ông Sáu Vợi có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc. Các khu sinh thái, resort lớn décor theo kiểu phục cổ không khu nào không có chó đá của ông Sáu Vợi, từ Bảo Sơn, phủ Thành Chương, Long Việt, cho đến một hệ thống resort trong Hội An...

Lớp trẻ nhận ra xu hướng hoài cổ và chuộng nội đang lên, đã nắm bắt thị trường rất nhanh. Họa sĩ Thành Phong, tác giả bộ truyện tranh “Long Thần tướng” đã trực tiếp thiết kế, sản xuất cả một bộ chó đá gồm 12 mẫu khác nhau đổ khuôn bằng nhựa composite và sơn tay. Trong đợt sản xuất đầu tiên năm 2014, 1.000 con chó đá mini cỡ bao thuốc lá đã bán hết chỉ sau vài tuần đưa ra thị truờng. Nhiều người đặt hàng không kịp, yêu cầu họa sĩ sản xuất thêm nhưng phải đến ba năm sau mới được đáp ứng. Ðợt chó đá thứ hai giao bán vào cuối năm 2017 có thêm ba mẫu chó đá mới, cũng đã bán đã hết 1.000 con. 

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.