Chợ đầu mối mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn gà thải lậu

Chợ đầu mối mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn gà thải lậu
TP - Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) được xem là chợ gia cầm lớn nhất cả nước, với lưu lượng cả trăm nghìn con mỗi ngày. Đáng ngại là lượng lớn gà loại thải Trung Quốc nhập lậu rẻ về giá thành, kém về chất lượng đang được hợp thức hóa buôn bán ở chợ.

> Gà siêu rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Gà loại thải Trung Quốc đội mác “gà mía” bán nhiều ở chợ Hà Vỹ. Ảnh: Phạm Anh
Gà loại thải Trung Quốc đội mác “gà mía” bán nhiều ở chợ Hà Vỹ. Ảnh: Phạm Anh.

Hiện lưu lượng gia cầm vào chợ khoảng 100-120 nghìn con/ngày, giảm khá mạnh so hồi đầu năm. Theo Ban quản lý, nguồn gà vào chợ như gà đẻ công nghiệp là từ Hà Nội, Hòa Bình; gà đẻ giống Ai Cập là từ Phú Thọ, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam; loại gà ta ăn cám từ Bắc Giang.

Một chủ trang trại gà (Hà Nội) từng sang Trung Quốc tìm hiểu cho hay, gà đẻ loại thải ở Trung Quốc họ không ăn, vì những chất độc hại còn tồn dư trong quá trình kích thích gà đẻ trứng (nội tạng xuất bán qua tiểu ngạch). Gà loại thải về Việt Nam chủ yếu chỉ dùng cho đám cưới, cửa hàng ăn, còn các bếp ăn tập thể thường mua gà công nghiệp trắng, vừa rẻ, thịt nhiều.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, gà loại thải lậu của Trung Quốc được nhập vào chợ khá nhiều, đội lốt bằng “gà mía Đông Anh” gà thải lậu của Trung Quốc vào chợ Hà Vỹ khoảng 8-10 tấn (15-16 nghìn con) mỗi ngày.

Lượng gà lậu này trước khi vào chợ, phần lớn đều được hợp thức hóa giấy tờ, nguồn gốc, một phần nữa nhốt lẫn với loại gà ta, rất khó phát hiện.

Anh Tùng, một tiểu thương buôn gà hơn chục năm nay cho biết, gà loại thải Trung Quốc thường trụi hết lông ở cổ, thậm chí trụi cả phần lưng. Do vận chuyển đường xa, nhìn ngoài gà có dáng lù rù. Loại gà này chỉ nặng khoảng 1,6-1,8 kg/con.

“Thông thường, gà của ta chỉ để khoảng 240 ngày là loại, nhưng gà mái loại thải của Trung Quốc thường được kích cho đẻ hết trứng mới loại, tức khoảng 300 ngày”- anh Tùng nói.

Ông C., một đại gia có thâm niên trong nghề buôn, nuôi gà thịt ở Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, gà mái thải lậu từ Trung Quốc chủ yếu về qua đường Móng Cái tới 70%, còn lại qua đường Lạng Sơn. Phần lớn gà thường chạy về Hà Nội, Thái Bình, rồi chuyển đi nhiều địa phương khác.

Theo ông C., mỗi ngày có khoảng có 30 chuyến với 100 tấn gà lậu trót lọt vào nước ta. Gà thải Trung Quốc mua ở Móng Cái khoảng 30-35 nghìn đồng/kg, về chợ Hà Vỹ bán, khoảng 48-50 nghìn đồng/kg. “Mỗi chuyến trót lọt, trừ luật lá, chi phí, chủ hàng đút túi 5-7 triệu đồng”- ông C. nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Cấn Xuân Bình, Quyền Chi cục trưởng Thú y Hà Nội cho biết, hiện động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh khác vào Hà Nội tương đối lớn, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch vận chuyển.

Từ đầu năm tới nay, lực lượng liên ngành thành phố đã bắt giữ, tiêu hủy hơn 70 triệu tấn loại hàng trên, trong đó gia cầm gần 40 tấn, riêng khu vực chợ Hà Vỹ gần 13,5 tấn.

Theo ông Bình, gà lậu độc hại hay không phải kiểm tra, xét nghiệm về tồn dư kháng sinh, virus cúm gia cầm hay không. Tháng nào thú y cũng lấy 300 mẫu ở chợ Hà Vỹ, nhưng không phát hiện virus cúm ở chợ này; bắt được gà không rõ nguồn gốc là cho tiêu hủy luôn, cũng chưa phân tích tính an toàn.

Về kiểm soát gà thải Trung Quốc vào chợ Hà Vỹ, ông Bình thừa nhận, vẫn còn một lượng gia cầm chưa rõ nguồn gốc vào chợ, nhưng việc xử lý theo ông phải có lộ trình. “Chợ họp 24/24h, nếu không có các ngành duy trì trong suốt thời gian đó, thì việc kiểm soát rất khó khăn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.