Chợ “di động” vùng biên

Chợ “di động” vùng biên
Không ồn ào, không tập trung như những khu chợ “nổi” ở vùng ĐBSCL, chợ “di động” vùng biên thường im ắng hơn, nó len lỏi đến những vùng hẻo lánh.
Chợ “di động” vùng biên ảnh 1
Một chợ “di động” ở vùng biên giới An Giang

Vào các xã của vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên như Vọng Đông (Thoại Sơn), Cô Tô (Tri Tôn), Vĩnh Bình (Châu Thành), thuộc tỉnh An Giang đi đến đâu cũng đều thấy nhan nhản chợ “di động”. Những cái chợ này được người dân vùng biên xem là một nét đặc trưng riêng của vùng sông nước.

Tuy không biết hình thành từ khi nào, nhưng chợ “di động” đã giúp ích rất nhiều cho người dân vùng lũ. Thứ gì ở các chợ cố định có bày bán thì chợ “di động” cũng có, nhưng khác cái là họ phải đẩy xe di chuyển từ nơi này sang nơi khác nếu muốn bán được một món hàng.

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những cuộc mưu sinh trên những chiếc xe gỗ chất đầy những loại thực phẩm tươi sống: thịt heo, cá lóc, khô, những bó rau muống, những cọng cải xanh, những bó hành được bán tươi roi rói. Kể cả quần áo, giày dép, nồi, niêu, soong, chảo... Những cái chợ “thập cẩm” này cứ ì à, ì ạch từ sáng cho đến tối. Những bà chủ của chợ “di động” phần lớn không có ruộng, vườn, hoàn cảnh khó khăn.

Chủ chợ “di động” đa phần là phụ nữ, lúc nào trên gương mặt họ cũng nhễ nhại mồ hôi, đầu đội chiếc nón lá rách, khoác bên ngoài chiếc áo sơ mi dài tay cũ mèm, đôi tay gân guốc, phải oằn lưng đẩy khắp các ngõ ngách bán hàng mặc cho mưa, nắng. Đồng vốn để “thành lập” nên chợ chỉ vỏn vẹn vài trăm ngàn, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh.

Không rao bán ồn ào, những người bán cứ đẩy từ xã này qua xã khác, rồi chỉ dừng lại khi nào có người hỏi mua hàng. Qua phà Cồn Tiên thuộc huyện An Phú, tại hai xã Nhơn Hội và Vĩnh Hội Đông đầy rẫy chợ “di động” đủ loại. Nào là chợ “di động” phế liệu, chợ “di động” bún riêu, chợ muối, chợ gạo, chợ nhang...

Bán hàng tận nhà

Từ vùng Tứ giác Long Xuyên chúng tôi tiếp tục chạy xuống thị trấn Tri Tôn, rồi lại đảo một vòng về Châu Đốc. Qua thêm con phà Châu Giang đến hai huyện Tân Châu và Phú Tân, nơi đây tập trung rất nhiều chợ “di động”.

Thị trấn Tân Châu nằm chỉ cách cửa khẩu Vĩnh Xương chưa đầy 30 cây số, nhưng nơi đây có đến gần hàng trăm ngôi chợ “di động”. Có người chuyên bán vải vóc, giày dép, kim chỉ... người thì bán trái cây nào là dừa, trái lựu, mãng cầu, chuối xiêm, bưởi... phải nói chợ “di động” rất đa dạng và phong phú với nhiều mặt hàng.

Chị Thu, chủ một chợ “di động” ở ấp Nhơn Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, buôn bán đã gần hai mươi năm, cho biết: “Để kiếm được vài chục ngàn đồng lời, từ sáng sớm tôi phải đẩy xe hàng chục cây số bán cho đến khi nào hết đồ trên xe thì thôi. Đành phải chịu thôi chú ạ, chứ ngoài công việc này thì không biết làm gì”.

Trên đường đến huyện Phú Tân, chúng tôi ghé vào chợ “di động” của chị Thanh, ngụ tại xã Long Sơn, huyện Phú Tân. Chị Thanh chuyên bán áo, quần, dép ngót ngét đã hơn mười năm. Cả cái chợ của chị treo đủ các loại hàng hóa.

Chị Thanh cho biết để bán chạy hàng, nghề này đòi hỏi phải bán trả góp từng ngày cho khách, vì bạn hàng chính của chợ “di động” là những gia đình nghèo, lam lũ kiếm sống qua ngày. “Có như vậy mới mong giữ mối để khỏi mất khách, bởi bây giờ có quá nhiều chợ “di động” được hình thành!” - chị Thanh nói.

Cứ thế, ngày qua ngày, những cái chợ “di động” len lỏi vào từng xã nghèo của vùng biên để “cung ứng” hàng hóa thiết yếu cho những người dân nơi đây. Những đôi tay, đôi chân không mệt mỏi vì miếng cơm, manh áo, những người chủ của chợ “di động” vẫn cố bám để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Theo Đức Khánh
NLĐ

MỚI - NÓNG