Chờ đợi sự phán quyết công bằng của toà án Mỹ

Chờ đợi sự phán quyết công bằng của toà án Mỹ
Ông Trần Xuân Thu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã nói như vậy về vụ kiện các Cty hoá chất Mỹ sản xuất chất độc da cam.

Theo ông Trần Xuân Thu, công luận đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ ở Việt Nam, cuộc chiến tranh hoá học lớn nhất trong lịch sử nhân loại, gây nên những hậu quả vô cùng to lớn đối với môi trường sinh thái và sức khoẻ con người.

Các bị đơn phải có trách nhiệm cùng nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả đó. Đây là việc làm phù hợp với đạo lý và tập quán quốc tế, góp phần làm quên đi quá khứ và hướng tới tương lai tốt đẹp trong quan hệ hai nước Việt - Mỹ.

Các Cty hoá chất Hoa Kỳ sản xuất ra chất độc để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã vi phạm các công ước quốc tế, đặc biệt là luật cấm sử dụng chất độc trong chiến tranh.

Họ cũng phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm của họ đã gây tác hại to lớn với sức khoẻ của người dân Việt Nam và vì vậy họ phải bồi thường những tổn thất về sức khoẻ, tính mạng và những bức xúc về tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Đồng thời, họ cũng phải có các biện pháp kỹ thuật, cung cấp tài chính, công nghệ để ngăn chặn tác hại của môi trường độc hại đến sức khoẻ của nhân dân. Đây là những đòi hỏi công lý của các nguyên đơn Việt Nam mà các bị đơn phải đáp ứng.

Chờ đợi sự phán quyết công bằng của toà án Mỹ ảnh 1

Nói về tác hại của chất độc hoá học, trong đó có chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam, GS, Bác sỹ Nguyễn Trọng Nhân - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam - cho biết : Theo thống kê của Viện nghiên cứu rừng, chất độc hoá học Mỹ rải ở miền Nam Việt Nam trước đây đã huỷ hoại trên 3 triệu ha rừng nhiệt đới, trong đó có cả rừng ngập mặn, gây mất cân bằng sinh thái, thiệt hại rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Cây cối tái sinh lại hiện nay không còn có tác dụng tốt như khi nó là rừng nguyên sinh. Đây cũng là những nguyên nhân vì sao bây giờ miền Trung và miền Nam thiên tai lũ lụt ngày càng nhiều, sức tàn phá ngày càng tăng, không chỉ đối với  kinh tế mà còn cả sinh mạng con người.

Đối với sức khoẻ con người, ai cũng biết điôxin là chất độc nguy hiểm nhất. Những người tiếp xúc với chất độc mắc các bệnh tật về da, hô hấp, tiêu hoá, thần kinh và nhiều bệnh ung thư.

Không chỉ các bệnh đặc hiệu với dioxin mà khả năng miễn dịch, đề kháng giảm, khiến các bệnh tật thông thường phát sinh ở nạn nhân chất độc da cam/dioxin cao gấp bội so với người bình thường. Ước tính hiện có khoảng từ 3 đến 4 triệu người là nạn nhân chất độc da cam."

Đề cập đến các mất mát, thiệt thòi, bất hạnh mà các nạn nhân chất độc da cam đã phải gánh chịu, ông Nhân khẳng định: "Qua quá trình điều trị, chúng tôi thấy nạn nhân chất độc da cam là người bị tổn thất nặng nề nhất. Gia đình họ phần lớn là gia đình nghèo khổ nhất.

Họ khác với các nạn nhân chiến tranh bị thương tật do đạn lạc, bom mìn. Đối với các nạn nhân chiến tranh do bom mìn, đạn lạc, trong gia đình chỉ những người trực tiếp bị tổn thương cơ thể chịu thiệt thòi còn con cái họ không bị tổn thương gì.

Còn ở những nạn nhân chất độc da cam, ngoài những bệnh hiểm nghèo mà họ gánh chịu thì con, cháu họ bị dị tật và nhiều người bị nhiều dị tật khác nhau trên cùng một cơ thể, và không thể biết rằng tới thế hệ thứ 4 thì chắt của họ sẽ ra sao.

Cũng bởi những tình cảnh nói trên, con cháu họ không có khả năng học tập, không có khả năng lao động. Những gia đình mà chồng là nạn nhân, thì toàn bộ gánh nặng gia đình dồn lên vai người vợ. Người vợ là người lao động kiếm tiền, là người chăm sóc chồng con bệnh tật và cuối cùng người vợ kiệt sức.

Các gia đình này không lối thoát bởi nếu có giúp vốn, họ cũng không có sức lao động để phát triển vốn, từ đó nảy sinh ra một nhu cầu rất lớn với xã hội là cần lập nhiều trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam bởi họ không chỉ không có khả năng lao động mà còn không có khả năng tự phục vụ".

Ông Nhân cũng cho biết, kể từ khi chiến tranh chấm dứt, đến nay đã 30 năm, đã có hàng vạn nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã chết. Chắc chắn họ đã chết trong đau khổ và oán hận vì những kẻ đã gây nên hậu quả cho họ không chịu nhận trách nhiệm giúp họ và giúp con cái họ chữa bệnh.

Rất nhiều nạn nhân còn lại đã chờ đợi và đến nay không thấy phía Mỹ chịu trách nhiệm về vấn đề này nên họ không còn cách nào khác phải đệ đơn kiện các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất các chất độc hoá học".

MỚI - NÓNG