Kỳ 2:

Chợ sâm trên đỉnh Ngọc Linh: Công nghệ làm giả

Chợ sâm trên đỉnh Ngọc Linh: Công nghệ làm giả
TP - Không gì buôn bán nhẹ nhàng bằng sâm. Chẳng phải khuân vác gùi cõng gì cả, cứ nhét túi quần vài củ, thế là có trong tay bạc triệu. Nhu cầu lớn, sâm có hạn, nên mới sinh ra nạn làm giả.
Chợ sâm trên đỉnh Ngọc Linh: Công nghệ làm giả ảnh 1
Củ sâm này, sao biết thật giả?

Chiếc xe Win thuê của một chủ xe ôm dưới huyện, chạy mới đến thôn 2 Trà Nam, buộc phải bỏ lại bên đường. Trận lụt lớn năm ngoái, nay vẫn chưa làm xong đường.

Thế là cuốc bộ 25 km. Cách đây ba năm tôi đã lên. Nhà cửa thưa thớt. "Bây giờ khá rồi, nhà nào cũng thắp điện, ti vi có đủ" - Lời ông Hồ Văn Ni, Chủ tịch huyện Nam Trà My.

Ngọc Linh là ngọn núi cao nhất miền nam, quanh năm mây phủ. Mấy thanh niên Xê Đăng tôi gặp dọc đường, miệng thì than là trên này xa xôi cực khổ, nhưng tiếp liền sau đó là "bia rượu nhiều nóng người, hãy uống trà Dr. Thanh"  đang tiếp thị í ới trên ti vi. Cái mốc để xác định từng chặng đi được anh em dưới huyện truyền cho tôi là căn cứ tên quán, từ dưới  lên trên.

Quán đầu tiên là Năm Hạnh. Chủ quán là người Tam Xuân-Núi Thành. Chị  Hạnh chẳng cần úp mở "năm anh em của anh Năm, bốn đứa em của chị đều lên đây".

Con cái gửi hết cho ông bà dưới đồng bằng. Từ đây đi đến thôn 1 Trà Linh là gặp quán anh Sáu Lưng, em của anh Năm. Đi tiếp đến nóc Tăc Lang, thôn 2 Trà Linh, là gặp quán Út Tĩnh, em út anh Năm.  Hà cớ gì mà kéo hết lên đóng đô chỗ sơn lâm chướng khí nghìn trùng này?

Buôn bán sâm chứ còn chi nữa! Mấy anh chị em phân công lập chốt cắm quán rải đều các nóc. Chút tự tin trí nhớ sót lại trong chuyến đi lần trước của tôi bị đánh bật. Đường mòn chi chít. Khi quay về, chúng tôi bị lạc, loay hoay suốt hai giờ trong mưa rừng, may có một thanh niên Xê Đăng chỉ đường giúp, nếu không thì nguy to.

Ba năm lại đây, dùng sâm Ngọc Linh trở thành mốt. Cầu cần, tất cung có. "Năm ni chưa thấy chi, việc buôn bán càng ngày càng khó. Bên Kon Tum người sang mua, họ đặt cọc tiền trước, đến mùa là đi thu. Giá cả thì thất thường". Nài nỉ một lát, chị mở tủ lạnh, lấy ra một củ sâm đen ngà "củ ni chừng 1,2 triệu, khoảng bảy tuổi".

Tối, tôi ngủ nhờ lại nhà của vợ chồng cô giáo Cơ, dạy mẫu giáo ở Măng Lùng. Nói là nhà nhưng giường ngủ khép một góc, nhường chỗ cho hàng tạp hóa. Cô Cơ lên đây từ năm 2001, mở quán được mấy năm. Cuốn sổ nợ của cô lên đến 40 triệu đồng, từ hôm tết đến nay. Hồng, chồng cô, vốn là dân Đà Nẵng, lên đây cùng vợ, phụ bán. Con đầu 5 tuổi, gửi cho ông  bà ngoại ở Bình Phú-Thăng Bình.

"Họ nợ, đến mùa thì bán sâm trả thôi". Rót rượu bán cho đám thanh niên đang xúm lại uống,  anh Hồng kể: "Mấy năm trở lại đây, giá luôn cao. Sâm, tùy theo tuổi và cân nặng. Ba tuổi, vài củ một lạng, giá chừng 750 - 900 ngàn đồng; loại khá hơn thì 1,2 triệu đồng/lạng. Lên nữa thì 1,5 triệu đồng. Củ nào được một lạng đồng nghĩa với chừng 10 tuổi, thì 1,8 triệu/lạng.

Đó là giá tại đây. Khi nó về huyện, xuống đồng bằng thì vượt qua  ngưỡng 2 triệu/lạng. Bên Kon Tum, người ta đi qua lùng mua, có lúc đi  đến năm người, ở lại nhà dân để mua. Giá cũng như các quán tại đây mua thôi. Có thời điểm, một kg là 60 triệu hạng một;  30 triệu hạng hai.

Tôi góp chuyện, Hà Nội, Sài Gòn bây giờ 80 triệu/kg. Hỏi chuyện này với Nguyễn Văn Lượng, anh gật, lại nói thêm ăn thua là thời điểm và nhu cầu người mua. Cuối năm ngoái, em mang xuống huyện ba kg, người ta trả 300-400 ngàn đồng/lạng, em không bán. Lội qua Kon Tum bán 750 ngàn đồng/lạng.

Dân ở đây xài sang lắm- lời cô Cơ. Ỷ lại có sâm bán nên ăn chơi. "Anh coi vùng dân tộc thiểu số mà dân mua đồ  từ lúc nãy đến giờ nhiều hay ít? Con nít đi mua kẹo mà cha mẹ cho tờ 100 ngàn". Nhưng đó là cái giàu không bền vững. Tất cả ngó hết vào sâm, chờ nó lớn một tí là nhổ bán.

Hôm qua tôi ghé nhà cũng là quán của thầy giáo Đông tại nóc Con Bin, thầy cũng than phiền lề lối làm ăn này "Nhà nước làm sao giúp bà con làm ăn bền vững, đừng trông chờ ỷ lại".  Của trời cho. Ngọc Linh là nơi đẻ ra cây sâm. Đất đấy. Giống đấy. Thả xuống, chờ vài năm là hốt bạc triệu. Nhưng rồi chờ xem, người ăn lở núi, nhổ bán hết, khi nguồn giống cạn kiệt, lấy gì mà ăn.

Sâm lời lớn, nên càng ngày càng nhiều người lập quán. Sâm là mốt thời thượng, hạng sang mới dùng, càng ngày nhu cầu xài sang càng cao, thêm ba cái bệnh nan y ngày càng phổ biến, cần biệt dược bồi bổ, nên bán chạy. Dịp tết, các hạng thường thường bậc trung đi lùng mua, không gì quý bằng biếu sếp một lạng sâm Ngọc Linh mà cả thế giới đều biết vào loại bậc nhất.

Ông Hồ Văn Ni vốn là dân Trà Cang giáp Ngọc Linh, nói: Chất lượng sâm không đều. Thôn 2 Trà Linh là nơi sâm tốt nhất. Trong một vùng, phía đông, sâm có dầu là tốt; phía bắc không dầu nên kém. Vùng Trà Cang, Tắc Ngo cũng có sâm nhưng chất lượng không bằng. Tất cả là do thổ nhưỡng.

Rồi ông bật cười: Một người ở huyện đội kể, có đại gia ở Điện Bàn, người nhà bị bệnh, sang Kon Tum mua mấy lạng, dùng xong, da hết vàng, bụng xẹp. Lần sau lại mua tiếp mấy lạng từ một người ở Kon Tum sang bán,  về chia cho người thân dùng cho biết, cũng sần sùi, đăng đắng, kết quả tất cả chạy ra bệnh viện cấp cứu. Đồ giả. Sâm nặng chừng nào, giá cao chừng nấy. Nó chơi xấu bằng cách nhét chì vào trong đó.

Tôi hỏi các chủ quán: "Sâm giả thế nào?". Họ lắc đầu. Nó giả làm sao cho mình biết nhưng rành nghề nhìn là biết ngay. Lộng giả thành chân, biết đâu mà lần. Anh Phương, trạm trưởng dược liệu của Cty Dược & Vật tư Y tế Tỉnh, đóng tại Ngọc Linh,  kể: Ngay cả dược sĩ Đào Kim Long, có lần nhờ mua mấy lạng ở Kon Tum, về đến Hà Nội, giở ra dùng mới hay  cũng là đồ giả.

Út Tĩnh, em của Năm Hạnh, cho hay, có một loại cây, thuộc họ ráy, nhìn giống như sâm, cũng đen, nhiều khấc, cong, không tinh tường không phát hiện được. Làm giả loại này là phổ  biến. 

Đôi khi để qua mắt người mua, họ bán trộn chung với sâm thật. Mà trên này dược liệu rất nhiều, củ quả hao hao giống nhau, biết đâu thật giả. Một cách làm giả khác là lấy sâm thật, ngâm rượu cao độ, chừng một tuần đến nửa tháng, tinh chất ra hết, đem rượu cất đi. Còn củ sâm thì lấy ra, chôn xuống đất, móc lên cho mình xem, đất lấm lem thế, mới vừa nhổ lên đấy, thế là xuất tiền ra mua ngay.

Chưa hết, củ sâm xài hết cốt rồi, trộn với đất sét, nướng sơ qua lửa, đỏ đỏ đen đen, chập cheng ai biết. Ngay cả cán bộ cũng bị lừa. Thị trường sâm bây giờ vàng thau lẫn lộn. Nguyễn Văn Lượng quả quyết: "Ngay tại đây không có đâu".

Phía bên kia là Kon Tum, nhu cầu tiêu thụ mạnh. Có khi mang đồ giả xuống đồng bằng bán, đồng bằng lại chuyển lên, mua trúng nó là tiền mất tật mang. Một chủ quán lắc đầu: "Vẫn có giả. Nhưng bán ở đâu, cho ai, chứ chúng tôi là rành rõi".

MỚI - NÓNG