Cho thuê cửa hàng: Nên lưu ý những gì?

Cho thuê cửa hàng: Nên lưu ý những gì?
TP - Nhiều bạn đọc đề nghị được tư vấn đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi cho thuê nhà sau khi đọc bài  “Nguy cơ mất nhà chỉ vì cho thuê làm cửa hàng” trên Tiền Phong ngày 28/12/2008.
Cho thuê cửa hàng: Nên lưu ý những gì? ảnh 1
Hầu hết nhà mặt phố được cho thuê làm cửa hàng, cửa hiệu (ảnh chỉ có tính minh họa)  Ảnh: Phạm Yên

Trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng Luật BQH và cộng sự cho biết:

Theo quy định hiện nay, những hợp đồng cho thuê nhà có thời hạn trên sáu tháng phải được công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể ở là các phòng công chứng được các sở tư pháp các tỉnh, thành phố cấp phép hoạt động. Việc chứng thực tại ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện và cấp xã được coi là không hợp lệ.

Như vậy hợp đồng cho thuê thời hạn từ sáu tháng mà không có chứng thực của công chứng viên bị coi là vô hiệu. Khi đó việc giải quyết sẽ rắc rối và một số quyền lợi của người cho thuê nhà sẽ không được đảm bảo.

Cũng theo quy định, người cho thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp sau: Người thuê nhà không trả tiền đúng thời hạn; sửa chữa gây ảnh hưởng đến kết cấu, kiến trúc của nhà thuê mà không được phép của người cho thuê nhà; không đảm bảo an ninh trật tự và vi phạm các điều khoản thỏa thuận khác giữa hai bên.

“Với một hợp đồng cho thuê nhà chuẩn được pháp luật thừa nhận và bảo vệ trong trường hợp có tranh chấp thì người cho thuê nên nhờ luật sư thảo hợp đồng cho thuê sau đó hai bên sẽ tiến hành ký kết tại phòng công chứng dưới sự chứng kiến, xác nhận của công chứng viên”. - Đại diện văn phòng Luật BQH và cộng sự cho biết.

Cũng theo ông Hưng, người cho thuê nhà càng đưa vào nhiều chi tiết thật cụ thể liên quan đến việc cho thuê nhà thì càng có lợi về mặt pháp lý. Thậm chí nhiều trường hợp cho thuê nhà còn quy định rõ là người thuê nhà không được phép nuôi chó, mèo, không được quét vôi, không được thay đổi đường điện… trong hợp đồng cho thuê của mình.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, trong trường hợp muốn đơn phương ngừng cho thuê nhà, chủ nhà cần thông báo bằng văn bản cho người thuê nhà theo đúng thỏa thuận được ký trước đó, có thể 10 ngày, một tháng tùy theo thỏa thuận. Nếu người, thuê nhà không tuân thủ thỏa thuận người cho thuê có thể làm văn bản khiếu nại gửi tới UBND phường để yêu cầu can thiệp.

Trường hợp không hòa giải được thì người cho thuê nhà có thể gửi kiện đến tòa án nhân dân cấp quận, huyện để tiến hành các thủ tục pháp lý. Sau khi có kết luận và tuyên án của tòa án, cơ quan thi hành án sẽ phải có trách nhiệm tiến hành cưỡng chế, thu hồi nhà trả lại người chủ sở hữu.

Trở lại vụ việc được báo Tiền Phong nêu, luật sư Bùi Quang Hưng cho biết, về bản chất, quan hệ thỏa thuận thuê nhà số 65 Hàm Long( Hà Nội) giữa bà Vũ Thị Nhật và ông Trần Viết Xuân hoàn toàn độc lập với chuyện ông Xuân mua ngôi nhà trên đúng hay không đúng tiêu chuẩn của Nghị định 61 và  lấy lý do đó để không trả lại nhà là không có cơ sở.

Khi giải quyết vụ việc, người ta chỉ xét mối quan hệ giữa người đi thuê nhà và chủ sở hữu nhà chứ không quan tâm đến việc mua nhà như thế nào. Vì vậy, kết luận buộc người đi thuê nhà phải trả lại nhà là lô gích và hiển nhiên.

MỚI - NÓNG