Cho thuê lòng, lề đường: Bùng phát chợ cóc, ùn tắc?

Cho thuê lòng, lề đường: Bùng phát chợ cóc, ùn tắc?
TP - Cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường thông qua thu phí sẽ giúp hàng vạn người nghèo có nơi buôn bán ổn định, tạo được khoản thu đáng kể cho ngân sách nhà nước song cũng sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu nếu quản lý yếu kém, không khoa học …

Đó là cảnh báo của các đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến do UBMTTQ TPHCM tổ chức sáng 8/10.

Cho thuê lòng, lề đường: Bùng phát chợ cóc, ùn tắc? ảnh 1
Quán cà phê Brother trên  đường Nguyễn Văn Thủ  (quận 1) chiếm dụng toàn bộ lề đường để làm bãi giữ xe khách.

Không cho cũng chiếm

Ông Nguyễn Hoàng – Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư 4 (phường 14, quận 5) cho biết: Ở khu dân cư tôi ở, từ nhiều năm nay, việc lấn chiếm vỉa hè, thậm chí trưng dụng cả lòng đường để bày biện hàng hóa đã trở nên phổ biến. Các con đường xung quanh chợ vải Soái Kình Lâm đều nhỏ hẹp, có đường không có vỉa hè, trong khi nơi này là chợ đầu mối, buôn bán sầm uất, hoạt động suốt 24/24. “Tôi đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến các tiểu thương, người buôn bán nhỏ về dự thảo sắp ban hành. Tất cả đều đồng ý trả mức phí 21 nghìn đồng/m2/tháng để đổi lấy việc được sử dụng hợp pháp vỉa hè, lòng đường, thay vì phải vừa bán, vừa trông chừng …lực lượng trật tự đô thị như hiện nay.” – ông Hoàng nói.

Tuy đồng tình nhưng nhiều đại biểu băn khoăn về mức phí cho thuê. Theo đại diện MTTQ phường 5, quận 3, thay vì đánh đồng mọi đối tượng, thành phố nên phân biệt và áp dụng mức phí khác nhau giữa kinh doanh và quảng cáo trên vỉa hè. Mức phí đối với cửa hàng cao cấp không thể ngang bằng với tủ thuốc lá, xe bánh mì của người nghèo. Ngoài ra, cùng một quận nhưng lợi thế về thương mại trên từng tuyến đường khác nhau nên phải thu phí một cách công bằng. Mức phí áp dụng cho tuyến đường sầm uất phải cao hơn so với tuyến đường thưa thớt, đông hộ nghèo. Ông kiến nghị: “Thành phố nên giao các quận, huyện khảo sát, ấn định mức phí trên cơ sở thực tế của mỗi địa phương”

Mức phí cao nhất nhất là 46 nghìn đồng/m2/tháng

Tờ trình của liên Sở Tài chính, GTVT đề xuất hai phương án trưng cầu ý kiến các quận huyện, UBMTTQ thành phố và đều được các đại biểu nhất trí chọn phương án 1. Theo đó, mức phí được xây dựng trên cơ sở giá đất các quận huyện.

Mức phí sử dụng để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe từ 1.000 đồng (thấp nhất, ở huyện Cần Giờ) đến 46 nghìn đồng/m2/tháng (quận 1). Trường hợp sử dụng để thi công, xây dựng, lắp đặt, sửa chữa công trình, trung chuyển vật liệu xây dựng … nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng hưởng xấu đến mỹ quan và tình hình giao thông nên mức phí cao hơn 1,5 lần so với mức phí cho thuê kinh doanh, buôn bán trông giữ xe …

Theo ông Tạ Quang Vinh – Phó giám đốc Sở Tài chính TPHCM, việc phân cấp cho các quận, huyện tự ấn định mức phí là rất khó  vì mức thu phí thuộc thẩm quyền và phải  được HĐND thành phố thông qua. “Mức thu có thể phù hợp đối tượng này nhưng lại không phù hợp với đối tượng khác. Trong quá trình triển khai, Sở sẽ trình UBND thành phố xem xét, điều chỉnh” –ông Vinh cam kết.

Làm không khéo sẽ gây họa

Ông Nguyễn Đình Khoa –cán bộ mặt trận khu phố chợ Thị Nghè cảnh báo: Chủ trương cho thuê vỉa hè, nếu áp dụng trên tòan thành phố thì phải xem lại. Nếu làm không khéo, chỗ nào trên địa bàn thành phố cũng biến thành chợ, trong khi TPHCM đang ráo riết thực hiện chủ đề “Năm trật tự văn minh đô thị”.

Ông Khoa kiến nghị: “Cần khảo sát trước khi quyết định. Không thể cho thuê lòng lề đường đối với tuyến đường ngoại giao Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa vì sẽ tạo ra sự nhếch nhác, gây ấn tượng xấu trong mắt bạn bè quốc tế. Thành phố chỉ nên tập trung ở một số con đường cạnh chợ, Trung tâm thương mại…”

Cho thuê lòng, lề đường: Bùng phát chợ cóc, ùn tắc? ảnh 2
Được thuê vỉa hè, các tủ  bánh mì của người nghèo trên lề  đường sẽ trở thành nơi kinh doanh hợp pháp.

Đại diện MTTQ quận 6 băn khoăn: Mức thu phí đậu xe ô tô dưới lòng đường thấp đến mức vô lý. Với mức tối đa là 5 nghìn đồng/lần/xe và 100 nghìn đồng/xe/tháng, trong khi không khống chế thời gian dừng đỗ có thể sẽ dẫn đến tình trạng xe không vào bãi đỗ xe, tầng hầm của các cao ốc văn phòng mà đỗ tràn lan ra lòng đường, gây cản trở giao thông dẫn đến nguy cơ ùn tắc, kẹt xe trong nội ô.

Ông chứng minh: Do Khu Nam cho phép đỗ xe trên đường và không thu phí nên số đông cư dân ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã không cho xe vào bãi giữ xe của khu dân cư mà đỗ tràn lan trên đường để tránh phải đóng phí giữ xe.

Theo ông Hoàng Lê Quân – Phòng Quản lý Giao thông (Sở GTVT thành phố), UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 74 ngày 23/10/2008, quy định danh mục 73 tuyến đường được phép đỗ xe dưới lòng đường. Sắp tới TPHCM chỉ áp dụng đối với các tuyến đường nằm trong danh mục, không áp dụng đại trà. Những tuyến đường mà Sở GTVT đề xuất người dân đều có nhu cầu sử dụng vỉa hè, lòng đường.

“Việc sử dụng lòng, lề đường chỉ mang tính tạm thời, chức năng chính là dành cho giao thông, người đi bộ” – Phó chủ tịch UBMTTQ TPHCM Huỳnh Đăng Linh khẳng định.

MỚI - NÓNG