Chợ trâu cuối năm: Sàn giao dịch sôi động

Một nhóm người bình luận, giúp người mua trả được giá hợp lí
Một nhóm người bình luận, giúp người mua trả được giá hợp lí
TP - Khi đất trời còn mờ sương, hàng nghìn con trâu, bò được vận chuyển từ khắp nơi về chợ Ú (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) tạo không khí sôi động, náo nhiệt. Những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, những cái bắt tay, tiếng mặc cả, thách giá giữa dòng người bước vội, ngược hẳn với sự bình yên vốn có của làng quê.
Tầm 4 giờ sáng ngày mồng Một tháng Chạp, mưa bay lất phất càng gia tăng cái buốt lạnh “cắt da cắt thịt”, trên khắp các ngả đường, từng đoàn người dắt theo trâu bò đổ về phía chợ Ú. 
Những con trâu bước vội theo tiếng giục của chủ, những con nghé tung tăng xé đàn... Xa xa, hàng trăm chiếc xe tải mang biển số ngoại tỉnh cũng đầy ắp trâu bò bóp còi inh ỏi, loay hoay tìm lối đi. Chợ họp ngay giữa ngã ba trung tâm xã. Từ đây, có thể ngược lên trung tâm huyện theo đường Khuôn - Trù - Đại, đi qua Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) theo tỉnh lộ 34 về thành phố Vinh, cũng có thể rẽ qua Yên Thành để ra quốc lộ 7A xuôi về biển, ngược lên ngàn. 
Đã ngớt tiếng gà gáy le te. Trời vừa hửng sáng, cả khoảng đất rộng sôi động hẳn lên với tiếng trâu, bò “ậm ò”, tiếng người qua lại. Người bán lo “quảng cáo” trâu bò nhà mình, người mua cứ nhẩn nha xem “tướng” trâu, bò rồi trả giá, chê bai, năn nỉ ỉ ôi… Những ngày cuối năm, không khí tại chợ Ú càng thêm sôi động, náo nhiệt. Từ xa, một đoàn 10 người đang dẫn khoảng 30 con trâu, bò tiến thẳng về phía trung tâm chợ.
Một người đàn ông nói giọng xứ Thanh ngó nghiêng, rồi lấy tay vỗ bôm bốp vào mông con trâu đực, thủng thẳng một câu: “Con này bao tiền?”. “40 triệu”, chủ trâu đáp. Sau một hồi mặc cả, trả giá, chú trâu được chốt giá 39,5 triệu đồng. Giao dịch thành công, người đàn ông nhanh chóng lôi trong túi ra một bình sơn màu nâu rồi xịt vào hai bên hông con trâu chữ K để đánh dấu, ám chỉ rằng con trâu này đã có người mua để không ai được hỏi mua nữa. Cuộc mua bán coi như xong.
Chợ trâu cuối năm: Sàn giao dịch sôi động ảnh 1Những con trâu sau khi giao dịch thành công sẽ được đánh ký hiệu
Đang cố gắng giục trâu đi nhanh hơn, anh Phạm Văn Thắng (45 tuổi, xã Đại Sơn) háo hức: “Cứ năm ngày mới có một phiên chợ, không đi thì tiếc lắm. Nông dân, ít vốn nên chỉ có một vài con mang ra chợ bán thôi”. Với nhiều nông dân, đi chợ còn vì thói quen thích ngắm nhìn trâu, bò. Họ xem đây như một thú vui. Chợ trâu bò còn là dịp để nhiều người đến khảo giá và học hỏi kinh nghiệm mua bán, chọn giống. Nhiều con trâu đực hăng máu, lao vào húc nhau khiến một góc chợ trở nên náo loạn. 
Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, việc trao đổi mua bán trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn. Ban đầu, chủ trâu để cho khách hàng xem một cách tự do sau đó mới đưa ra giá ban đầu của con trâu. Sau khi biết giá, khách mua không bao giờ trả tiền ngay mà thường sẽ trả giá bằng cách hạ xuống nhiều mức, tuy nhiên không hạ quá cách xa mức mà chủ trâu đưa ra. Đi cùng với khách để trả giá bao giờ cũng có một nhóm người bình luận, giúp người mua trả được giá hợp lí và mua được con trâu như mong muốn. Ngã giá xong, việc thanh toán tiền diễn ra nhanh gọn ngay tại chợ. Người mua hoan hỉ dắt trâu về. 
Vỗ béo, tân trang
Con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp”, mà nó có thể báo trước gia chủ sẽ gặp phúc hay họa. Tại chợ, người nào cũng thuộc nằm lòng câu “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sa/ Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”. Đó là kinh nghiệm ông bà để lại, còn thực tế phải trực tiếp xem. Vì trước khi trâu, bò được đưa tới chợ người bán đã vỗ béo, “tân trang” nên không khéo sẽ bị nhầm. Gắn bó hơn nửa đời người với chợ Ú, hiện là Trưởng ban quản lý chợ, ông Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ kinh nghiệm: “Kỵ nhất là loại “trâu cười”, nghĩa là khi đêm đến dùng đèn soi vào mặt trâu thì nó nhe răng. Hai là trâu ba mắt - có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ ba. Ngoài ra, bò “bạch nhiệt” hay bò “đốm đuôi”… là những con cần tránh mua. Loại trâu bò được ưa chuộng nhất có: “Mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là giống tạp ăn, dễ nuôi”. 
Việc mua trâu bò thịt cũng khá đơn giản, không cầu kỳ như lựa chọn trâu bò giống. Tuy nhiên, muốn bước chân vào giới mua bán trâu, bò, điều đầu tiên cần có cái nhìn chuẩn xác. Mọi quá trình mặc cả, ra giá đều dựa trên sự quan sát bằng mắt, “nhìn mặt bắt hình dong”, không qua một công đoạn cân đo nào. Cả người mua lẫn người bán đều biết ước đoán đúng khối lượng con vật. Bằng con mắt làm ăn từ nhiều năm, anh Nguyễn Văn Sáu - một thương lái có kinh nghiệm trong vùng cho biết: “Tiêu chí lựa chọn hàng của tôi là những con có lông to, cứng, da xù xì vì chúng nhiều thịt, xương nhỏ".
Chợ trâu cuối năm: Sàn giao dịch sôi động ảnh 2Những chiếc xe tải mang biển số ngoại tỉnh chờ để chở trâu bò
Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng chợ, ông Cảnh tâm sự: “Nếu không có chợ Ú, chắc chẳng mấy ai biết đến xã Đại Sơn”. Rồi ông kể, chợ trước đây là chợ dân sinh, có đầy đủ các loại hàng hóa. Với lợi thế đất rộng, nghề chăn nuôi phát triển mạnh nên nhu cầu mua bán trâu, bò ngày một tăng. Tiếng lành đồn xa, các thương lái từ khắp nơi tìm về ngày một đông.
Nhận thấy nhu cầu cao, năm 1967, chợ trâu, bò Đại Sơn hình thành, họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 1, 6,11,16,21,26 bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa. Mỗi phiên chợ Ú giao dịch khoảng 1.800 con trâu, bò - Trưởng ban quản lý chợ Ú nói - Nhờ có chợ, nhiều gia đình nơi đây xây được nhà cao tầng, sắm được những trang thiết bị đắt tiền, đời sống kinh tế trở nên khấm khá. Công việc ăn theo chợ trâu nở rộ như: dắt trâu thuê, chăn trâu, săn trâu đẹp, chăm trâu chọi…

Chẳng biết tự bao giờ, câu ca “Ai về chợ Ú Đại Sơn/ Mua con trâu mộng lập nên đại điền” đã trở nên quen thuộc. Chợ họp mỗi tháng 6 phiên với lượng trâu bò lên đến hàng nghìn con vận chuyển từ khắp nơi về tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...