Chợ trâu ngày cuối năm

Chợ trâu ngày cuối năm
TPO - Chợ Ú (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) ngày cuối năm, tấp nập kẻ bán người mua. Sáng tinh mơ, chợ Ú đã tấp nập trâu, bò từ khắp nơi về đây để chờ bán.
Chợ trâu ngày cuối năm ảnh 1
Trâu bò đang được bán tại chợ Ú ngày cuối năm

 Ông Vũ Văn Đồng (70 tuổi) một người dân địa phương làm nghề buôn trâu cho biết: Mỗi tháng chợ có 6 phiên, họp vào ngày mồng 1, 6, 11, 16, 21 và 26 (AL).

Ban đầu chỉ có bà con trong vùng về đây mua bán, nhưng khoảng mươi năm lại đây, chợ Ú tập trung trâu, bò từ miền tây Nghệ An, nước bạn Lào, Campuchia...

Anh Hoàng Văn Nghiêm, một lái buôn đến từ Phúc Thành, Yên Thành, người có thâm niên hơn hai chục năm làm nghề buôn trâu cho biết: Nhà anh cách chợ Ú gần cả trăm cây số, nhưng hầu như phiên chợ nào anh cũng có mặt.

Nhiều phiên chợ anh mua một lúc 5 con trâu để đưa về xuôi. Tuy nhiên, số trâu mà anh Nghiêm mua hầu hết là những chú trâu gầy gò, giá rẻ. Sau khi đưa trâu về xuôi chỉ cần thuê người chăn thả, vài tháng sau lùa trâu quay lại chợ Ú bán để kiếm lời. Mỗi đợt như vậy anh Nghiêm kiếm được ngót nghét gần chục triệu đồng tiền lãi.

Trần Văn Trinh, quê ở xã Diễn Thành, Diễn Châu tiết lộ: Những chú trâu của phiên cuối năm ở chợ Ú chủ yếu được bán cho các lò ở Vinh, Nam Đàn, Diễn Châu...  mổ thịt phục vụ dịp tết cổ truyền. Còn phiên chợ bình thường có nhiều người dân cũng tìm đến để tậu trâu, bò về làm sức kéo.

Nhiều chú trâu to khoẻ nhưng vẫn bị bà con chê không thèm mua, bởi vì người ta mua trâu còn phải xem "tướng" trâu nữa. Một số bà con nông dân quan niệm rằng: "Đầu tang, xoáy tóc, hàm sa/ Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi". Hoặc mua trâu về nuôi trong nhà phải là những chú trâu có xoáy "tiền tiến/hậu lui". Có nghĩa là xoáy trước phải tiến về phía trước, xoáy sau lùi về phía sau bao nhiêu là tốt bấy nhiêu. 

Cũng chính vì những câu truyền miệng trong dân gian như thế mà bao người dân mua trâu về nuôi đến khi cần bán gặp phải không ít thiệt thòi. Không ít người sau khi phát hiện ra những đặc điểm trên bèn tìm cách phẫu thuật lại xoáy cho trâu.

Ông Nguyễn Xuân Định, một người dân đến từ xã Nghi Phú, TP Vinh chỉ vào một chú trâu to bự mà chủ nhân của nó là  người dân xã Đại Sơn nói: "Con trâu này đã được phẫu thuật xoáy rồi, người dân bình thường không biết, chúng tôi làm nghề buôn trâu gần cả đời nên nhìn vào là biết ngay.

Ông Định còn tiết lộ cách làm này dễ ợt. Muốn thay đổi xoáy trâu, chỉ cần dùng củ chuối nướng thật nóng lên, xoáy vào vị trí nào thì lông ở vị trí ấy biết thành xoáy.

Còn chỗ xoáy cũ thì rất đơn giản, chỉ cần dùng củ chuối nướng xoáy ngược trở lại là lông trâu thẳng ngay. Vì thế, nhiều chú trâu ban đầu có xoáy là "tiền lui, hậu tiến" bỗng chốc trở thành "tiền tiến, hậu lui".

Nhờ có chợ Ú mà cuộc sống của bà con của xã Đại Sơn, Đô Lương ngày một khấm khá lên. Ngoài những người làm nghề buôn bán trâu, bò thì ở đây còn rất nhiều dịch vụ ăn theo. Chị Hạnh, một người dân địa phương cho biết, ngoài làm nghề buôn trâu, bò thì chị và ba đứa con gái cũng chỉ kiếm ăn quanh quẩn cái chợ này.

Trong những ngày chưa đến phiên chợ, chị Hạnh chuyên đi cắt cỏ, lá cây tươi gom về chất đống. Đến phiên chợ mới gánh ra bán cho các chủ trâu, bò từ nơi khác đến. Mỗi phiên chợ chị Hạnh kiếm được 50 đến 70.000 đồng. Còn ba đứa con gái của chị đứa thì tắm rửa trâu bò thuê, đứa dắt  trâu bò thuê và đứa nữa chuyên cho thuê chuồng trại...

Mỗi phiên chợ mẹ con chị Hạnh kiếm được vài trăm nghìn.Nguyễn Văn Hiệp, học sinh Trường cấp 2 Đại Sơn (nhà ở cạnh chợ Ú) cho biết: Để có tiền học, nhiều phiên chợ Hiệp đã tranh thủ "lái" trâu thuê. Một số người dân hoặc "lái buôn" sau khi mua được trâu, họ thuê  người dắt về nơi cần đến.

Gía cả tuỳ thuộc vào chiều dài của đường đi. Nhiều hôm chợ phiên trùng ngày chủ nhật, Hiệp lên tận vùng núi Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn.... để "lái" trâu thuê về chợ Ú.

MỚI - NÓNG