Chở trẻ đi xe máy nhớ mang... giấy khai sinh

Chở trẻ đi xe máy nhớ mang... giấy khai sinh
Dự kiến, trong tháng 10/2009, khi trẻ em được chở trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, có thể dưới hay trên 6 tuổi, cảnh sát giao thông cũng đều sẽ lập biên bản. Phụ huynh có trách nhiệm phải chứng minh tuổi của trẻ em đó.

Theo thượng tá Trần Sơn - phó trưởng Phòng tuyên truyền và hướng dẫn luật Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ban hành theo dự kiến trong tháng 10/2009, khi trẻ em được chở trên xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể dưới hay trên 6 tuổi cảnh sát giao thông cũng đều sẽ lập biên bản.

Phụ huynh có trách nhiệm phải chứng minh tuổi của trẻ em đó. Sau khi chứng minh được trẻ dưới 6 tuổi thì cảnh sát giao thông sẽ hủy biên bản đã lập.

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 24/9, do Bộ Giao thông vận tải, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức tại Hà Nội. 

Cũng theo thượng tá Trần Sơn, đã có nhiều ý kiến gợi ý là căn cứ vào chiều cao, cân nặng... để xác định độ tuổi của trẻ không đội mũ bảo hiểm đối với những trường hợp quên mang giấy tờ chứng minh độ tuổi. Nhưng việc phát triển thể trạng của trẻ em có sự chênh lệch.

Vì vậy, thượng tá Trần Sơn cho rằng nếu người lớn không muốn bị phạt thì tốt nhất nên mang theo giấy khai sinh khi chở trẻ em ra đường trên xe máy.

Theo bà Trịnh Minh Hiền - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), Luật giao thông đường bộ bắt buộc mọi người phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng pháp lệnh xử phạt hành chính đã cho người vi phạm được hưởng quyền miễn trừ hoặc giảm trừ xử phạt theo các khung tuổi khác nhau.

Do đó, bà Hiền cho rằng: “Nếu muốn được hưởng quyền miễn trừ, giảm trừ đó thì người vi phạm phải có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh độ tuổi của mình”.

Đồng thời theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính được ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, trong các lĩnh vực khác cũng phải có chứng minh độ tuổi để được miễn giảm hay miễn trừ xử phạt vi phạm hành chính chứ không chỉ riêng lĩnh vực giao thông. Vì vậy, các lĩnh vực khác chứng minh độ tuổi thế nào thì áp dụng với giao thông như vậy.

Đối với những ý kiến về việc nảy sinh rắc rối khi thực hiện quy định xử phạt như kể trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết có thể trong thông tư hướng dẫn sẽ đưa vào điều khoản: khi xảy ra tranh cãi về độ tuổi trẻ em, cơ quan chức năng chỉ lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe chứ chưa vội xử phạt bằng tiền. Nếu người vi phạm chứng minh được thì không bị xử phạt.

Còn theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, từ năm 2006 đến nay có hơn 2.900 trường hợp trẻ em tuổi từ 0-15 bị tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, tương đương mỗi ngày có tới 8 trẻ em tử vong vì nguyên nhân đã nêu.

Theo T.Phùng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG