Cho từ chức nếu tín nhiệm thấp

Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói, cần làm rõ điều kiện để thực thi việc lấy phiếu tín nhiệm Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói, cần làm rõ điều kiện để thực thi việc lấy phiếu tín nhiệm Ảnh: TTXVN
TP - Hôm qua (6-10), UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về quy trình lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội (QH), Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Quy định mới tại dự thảo lần này là có thể xem xét cho từ chức người có phiếu tín nhiệm thấp.

> UB Thường vụ QH thảo luận về bỏ phiếu tín nhiệm

Theo tờ trình, người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức, nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ.

Cơ quan hoặc người đã giới thiệu để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình QH, HĐND xem xét, quyết định miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó.

Đáng lưu ý, người có trên hai phần ba tổng số ĐBQH hoặc ĐBHĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm (không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai); đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Cũng theo dự thảo, người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH hoặc ĐBHĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành việc lấy phiếu có 4 mức tín nhiệm (cao, trung bình, thấp, chưa có ý kiến) để đánh giá mức độ tín nhiệm. Trong khi đó, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Không mở rộng

Thẩm tra dự thảo, Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên lấy phiếu quá rộng. Cụ thể, việc lấy phiếu định kỳ chỉ nên đặt ra đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 7 Điều 84 của Hiến pháp.

“Việc mở rộng phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm ra tất cả những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn bao gồm cả thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH…là quá dàn trải, dễ làm cho hoạt động này trở nên hình thức”- Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.

Ủy ban Pháp luật nghiêng về phương án QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt, bao gồm: Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ QH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TANDTC; Viện trưởng VKSNDTC; Tổng kiểm toán nhà nước (tổng số là 49 người).

Qua thảo luận, một số ý kiến băn khoăn với phương án lấy phiếu rộng hơn, bao gồm tất cả những chức danh do QH, HĐND bầu, phê chuẩn. Bởi theo phương án này, số người phải lấy phiếu sẽ rất lớn. Riêng Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH sẽ phải lấy phiếu đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các uỷ viên lên tới tổng số là 380 người.

Chia sẻ với quan điểm của Ủy ban Pháp luật, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam và một số ý kiến cho rằng, nên khoanh lại đối tượng bỏ phiếu.

Lấy phiếu định kỳ

Theo quy định QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm (kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ); Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH, các Ban của HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình. Quy định như vậy là phù hợp với tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước” - Ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và một số ý kiến tán thành quy định này và cho rằng, cần làm rõ hơn các điều kiện để thực thi.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng cần gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Theo quy định, người 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp”, UBTVQH sẽ trình QH, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Việc quy định 2 năm liên tiếp là hợp lý, người năm đầu tiên tín nhiệm thấp sẽ có cơ hội để cải tổ, khắc phục yếu kém, bất cập trong công việc. Năm thứ hai vẫn không sửa chữa được sẽ bị đưa ra để “bỏ phiếu tín nhiệm”. Quy định như vậy phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Theo dự thảo Nghị quyết, trường hợp ngay lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm mà mức độ tín nhiệm quá thấp (trên 2/3 số phiếu “tín nhiệm thấp”) sẽ phải xem xét “bỏ phiếu tín nhiệm” ngay.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình QH thông qua tại kỳ họp tới đây.

Không tán thành phạt cao tại Thủ đô

Thẩm tra dự án Luật Thủ đô hôm qua, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên quy định mức phạt tiền cao hơn quy định chung đối với 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng (tại dự thảo Luật).

Ủy ban này cho rằng, Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được QH thông qua (6-2012) đã quy định các thành phố trực thuộc trung ương được áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định.

Mức phạt tối đa đối với 3 lĩnh vực trên quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính đã nâng lên nhiều lần so với hiện hành.

Ngoài ra, mặc dù tán thành quy định về siết nhập cư vào nội thành, Ủy ban pháp luật cho rằng đây chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư. Về lâu dài, phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, thì mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành quy định Thủ đô có biểu tượng, nhưng nên giao UBTVQH quyết định, trên cơ sở đề nghị của HĐND TP Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.