Dự án Luật Tổ chức Quốc hội:

Cho từ chức nếu tín nhiệm thấp

Một số ý kiến cho rằng nếu các chức danh do QH bầu và phê chuẩn có số phiếu tín nhiệm thấp thì nên cho người đó từ chức ngay. Ảnh: Hồng Vĩnh
Một số ý kiến cho rằng nếu các chức danh do QH bầu và phê chuẩn có số phiếu tín nhiệm thấp thì nên cho người đó từ chức ngay. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 8/9, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều ý kiến nhấn mạnh luật phải làm rõ vai trò của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Đặc biệt phải cụ thể hóa quy định bỏ phiếu tín nhiệm, nếu lấy phiếu mà tín nhiệm thấp phải cho từ chức ngay.

Có 2/3 số phiếu thấp là cho từ chức

Điểm mới là dự thảo đã bổ sung quy định về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó quy định về đối tượng lấy phiếu, hệ quả của việc lấy phiếu. Tuy nhiên, thời điểm, thời hạn trình tự lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định cụ thể trong văn bản khác. 


ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đề nghị, Luật cần quy định rõ khi lấy phiếu mà có 2/3 số phiếu thấp thì cho người đó từ chức ngay (thay vì quy định là quá 2/3). Đồng thời, nếu người bị phiếu thấp không từ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. 

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho hay, quy định về quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm (đã có) nhưng rất khó thực hiện. Thực tế chưa có ĐB nào đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm chức danh A, B nào đó vì quy định phải có ít nhất 20% ĐB cùng đề nghị thì mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. 

“Nên bỏ quy định này, vì 20% ĐB đề nghị cũng chỉ là con số ước lệ. Trong khi chỉ 1-2 ý kiến của ĐB cũng rất đáng để Quốc hội xem xét. Phải coi lấy phiếu là một bước để tiến tới bỏ phiếu theo quy định của Hiến pháp. Việc lấy phiếu nên thực hiện 1-2 năm /lần, có thể coi lấy phiếu chính là bước thăm dò thay cho việc kiến nghị bằng văn bản của đại biểu” – ĐB Hùng đề xuất.

Phải xóa lợi ích nhóm 

Các ĐB đề nghị tăng số lượng ĐBQH chuyên trách lên trên 35% như dự thảo nhưng cần nâng chất lượng, tránh hành chính hóa ĐB. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nên quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn trình độ, thời gian thực tiễn, năng lực của người ứng cử làm ĐBQH. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) chỉ rõ về ĐB hiện nay quy định giống như một công chức hành chính. 

“ĐB cần có sự phản biện độc lập, nhất là trong nghiên cứu xây dựng luật, trong giám sát, tránh lợi ích nhóm chi phối, khi phản biện mới có thể đi đến cùng. Nên tăng số lượng chuyên trách lên 35%, còn 40% thì hơi nhiều, sẽ làm mất tính đại diện của Quốc hội” – ĐB Đương phát biểu. 

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng số lượng ĐB chuyên trách tối thiểu phải là 40% và nên tập trung ở cơ quan lập pháp. Nếu tỷ lệ chuyên trách nằm chủ yếu ở khối hành pháp khi biểu quyết Luật sẽ không khách quan, vì hiện nay các dự án luật chủ yếu do các bộ, ngành soạn thảo.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị Luật cần làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là chi, tiêu ngân sách; hạn chế xin - cho về tài chính vì nó là cơ chế không bình thường.

Mặt khác, Quốc hội phải thể hiện vai trò rõ hơn trong quyết định vấn đề về đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước. “Tiền và con người là hai cái quan trọng Quốc hội phải nắm, phải kiểm soát” – ĐB Nam kiến nghị.

Gần dân hơn

ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đề nghị lượng hóa để ĐB chuyên trách dành ít nhất 1/4 thời gian làm việc tiếp xúc cử tri. Lâu nay ĐB đi tiếp xúc trước, sau kỳ họp rất hình thức. 

“Nếu ĐB không tham gia hoặc nghỉ quá nhiều các phiên họp của Ủy ban, Hội đồng dân tộc thì phải đề nghị cho thôi tư cách thành viên các cơ quan này. Như vậy mới đảm bảo nguyên tắc các cơ quan này làm việc theo đa số, ĐB thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình” - ĐB Thoại đề xuất. 

Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị quy định để ĐB được tiếp xúc cử tri cả nơi ứng cử và các địa bàn khác, thể hiện vai trò ĐB đại diện cử tri cả nước. “ĐB phải gắn với cử tri chứ không nên hành chính hóa. Nếu cứ ứng cử theo kiểu gửi ứng cử chỗ này chỗ kia, lấy mác cho oai mà không làm nhiệm vụ ĐB thì không được” - ĐB Trần Du Lịch phát biểu.

Về cách thức tổ chức phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng phải quy định trường hợp nào họp kín, trường hợp nào công khai, tránh để cử tri thắc mắc.

“Chất vấn cũng nên bằng cách nào đó công khai việc lựa chọn bộ trưởng trả lời. Ví dụ quy định lấy phiếu xin ý kiến thì trong những bộ trưởng đó ĐB muốn ai trả lời chất vấn, trả lời nội dung gì. Vì có thể tôi không trực tiếp chất vấn nhưng tôi vẫn muốn bộ trưởng đó trả lời chất vấn trước Quốc hội” – bà Nga nói.

Băn khoăn bỏ giấy khai sinh

Ngày 8/9, thảo luận về Luật Căn cước công dân tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng thực tế, trẻ em dưới 14 tuổi luôn gắn với cha mẹ và nhiều giao dịch vẫn đòi giấy khai sinh để chứng minh cha mẹ là ai. Nếu thẻ căn cước không thay được giấy khai sinh sẽ làm tăng nhiều nguồn kinh phí tốn kém.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long cho rằng thẻ căn cước công dân không thể thay thế được giấy khai sinh vì vậy nên giữ giấy khai sinh. Trường hợp thực hiện cấp thẻ căn cước thì không nên thu lệ phí.

 Nguyễn Tuấn

MỚI - NÓNG