Phiên họp 23 UBTVQH:

Cho ý kiến về Dự án Luật Người khuyết tật

Cho ý kiến về Dự án Luật Người khuyết tật
TP - Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Người khuyết tật.

Theo báo cáo, cả nước có khoảng sáu phần trăm dân số là người khuyết tật. Đời sống của người khuyết tật còn nhiều khó khăn, hầu hết phải dựa vào gia đình và thuộc diện nghèo. Tuy nhiên, hàng năm mới chỉ có khoảng gần một triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp từ ngân sách.

Tại Tờ trình của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tám nhóm giải pháp (quy định tại Chương 1), trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo các nguồn lực, các điều kiện thực thi, xã hội hóa... thể hiện sự cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về người khuyết tật.

Dự luật còn quy định những vấn đề cụ thể như: Trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh, chỉnh hình, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tạo điều kiện, ưu tiên cho người khuyết tật khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; các ưu đãi về giáo dục, học nghề tạo việc làm; trợ giúp xã hội tại cộng đồng và nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội...

Ngoài ra, dự luật còn quy định về nhà ở, công trình công cộng, phương tiện giao thông phải được thiết kế đảm bảo để người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng dễ dàng.

Các Ủy viên UBTVQH đều khẳng định, Dự Luật người khuyết tật đã mở rộng phạm vi đối tượng so với Pháp lệnh về người tàn tật trước đây và mang tính nhân văn sâu sắc.

Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của một số quy định trong dự thảo luật, đồng thời cần tính đến nguồn ngân sách dành cho vấn đề này khi luật được ban hành.

“Cần giải trình, làm rõ các chính sách đối với người tàn tật như thế nào, cũng như ngân sách sẽ dành ra bao nhiêu để đảm bảo cho vấn đề này?”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nói. 

MỚI - NÓNG