Choáng váng đám cưới vàng đeo trĩu cổ tại Hà Tĩnh

 Cô dâu chú rể đeo vàng trĩu cổ khiến dư luận quan tâm đặc biệt.
Cô dâu chú rể đeo vàng trĩu cổ khiến dư luận quan tâm đặc biệt.
Một đám cưới hoành tráng vừa được tổ chức tại huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Cô dâu, chú rể đeo vàng trĩu cổ, kín tay, thậm chí không còn chỗ đeo.

Vàng đeo trĩu cổ

Ngày 24/2, tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, đám cưới của chú rể tên Hùng và cô dâu tên Dung (SN 1997, trú xã Sơn Kim 1) được tổ chức rất hoành tráng.

Dẫn đoàn rước dâu là một giàn môtô "khủng", giá trị mỗi chiếc cũng trên dưới nửa tỉ bạc. Theo sau là nhiều ''siêu'' xe ôtô đắt tiền. Đặc biệt, tại buổi tổ chức hôn lễ, cô dâu chú rể được tặng quà với rất nhiều vòng vàng, dây chuyền vàng, lắc vàng...

Nhiều đến nỗi cô dâu không còn chỗ để đeo, chú rể phải cầm giúp nhiều lắc vàng trong tay. Một người dân nhà ở cạnh nhà chú rể trầm trồ "vàng mô ra lắm rứa không biết, không đếm được, chỉ ước lượng phải gần chục cân".

Với người dân huyện miền núi Hương Sơn, đây là đám cưới mà cô dâu chú rễ đeo nhiều vàng nhất từ trước đến nay.

Vào tháng 2/2012, đám cưới con trai của nữ ''đại gia'' phố núi Hương Sơn - bà Nguyễn Thị Liễu - tổ chức hoành tráng bậc nhất cả nước, mà theo thông tin ngoài lề tốn kém gần 30 tỉ đồng.

Tại đám cưới đó có giàn siêu xe rước dâu tiền tỉ như Ferrari, Rolls Royce Phantom, Benley, Audi A5 Sportback, Lexus... và sự xuất hiện của các ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Quang Lê..., nhưng cô dâu, chú rể cũng không đeo nhiều vàng như đám cưới này.

Giàu nhờ buôn gỗ?

Trước sự quan tâm của dư luận về một đám cưới tổ chức hoành tráng kiểu "vàng chất núi" như thế, chúng tôi đã tìm về xã miền núi Sơn Tây để rõ hơn về sự giàu có của gia đình này.

Một thanh niên (đề nghị giấu tên) - là bạn của chú rể - ngại ngùng khi chúng tôi hỏi hơi tỉ mỉ về đám cưới gây xôn xao. Tuy nhiên, sau một hồi tâm sự, cậu thanh niên cũng tỏ ra thoải mái dần và cho biết hôm tổ chức đám cưới đó, vì là bạn chú rể nên cậu ta cũng được mời tham dự.

"Nói hơi quá một tý, chứ đúng là vàng không còn chỗ mà đeo nữa. Ở đây chưa từng có đám cưới mô mà vàng nhiều rứa", thanh niên này bình luận.

Cậu ta cũng cho biết, gia đình chú rể làm nghề buôn gỗ trắc. Gia đình nhà cô dâu cũng là dân buôn và còn giàu hơn cả nhà chú rể. Nhưng nếu so sánh với một số gia đình khác tại thị trấn Tây Sơn thì gia đình chú rể, cô dâu cũng chưa phải là giàu nhất.

Thanh niên này còn cho biết, cô dâu và chú rể đang rất ít tuổi, chú rể mới học xong THPT, cũng chưa có ngành nghề gì, tổ chức đám cưới hoành tráng là nhờ tiền của cha mẹ hai bên.

Để rõ hơn, chúng tôi đã vào nhà chú rể Hùng. Ngôi nhà nằm ngay trục đường 8, giáp ranh thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) nhưng hộ khẩu vẫn thuộc xã Sơn Tây quản lý. Nhìn từ phía ngoài, đây là một ngôi nhà 2 gác khang trang, sạch sẽ. Bước vào cổng, chúng tôi bắt gặp một xe tải nhỏ vừa bốc gỗ lên xe đang di chuyển đi ra.

Giữa sân là một đống gỗ trắc rất lớn, loại gỗ rất có giá trị mà hiện nay mua bán tính bằng kilôgram. Bà chủ nhà vừa cân gỗ xong, đang ngồi ở thềm, thấy người lạ vào, đôi mắt bà đầy dò xét.

Qua trò chuyện, bà chính là mẹ của chú rể. Khi chúng tôi hỏi chuyện xung quanh việc tổ chức đám cưới gây sự chú ý của dư luận vừa rồi, bà tỏ ra rất buồn và nói ứa nước mắt: "Chú đừng hỏi gì nữa, cha của cháu mất đã gần 3 năm, ngày cưới con trai vắng mặt cha nó, tôi đã nghẹn ngào, đau đớn lắm rồi. Một mình tôi nuôi 3 đứa con, ngày trọng đại của cháu, nhờ các anh em bạn bè quan tâm, giúp đỡ nên quà cáp có phần nhiều hơn những đám cưới khác là vì thế đó".

Chỉ kiệm lời như thế rồi bà chủ nhà từ chối tiếp chuyện thêm vì bận việc phải đi. Được biết, Hùng là con thứ hai trong nhà, chị gái Hùng cũng đã lập gia đình, con thứ ba hiện đang là học sinh.

Đám cưới quá phô trương

Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, ông Lê Đình Vỹ cho rằng, việc tổ chức đám cưới của gia đình chú rể Hùng là không nên vì quá phô trương, tốn kém.

"Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức cưới hỏi, ma chay đơn giản, tiết kiệm, chúng tôi cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phổ biến đến nhân dân rồi. Các thôn cũng có hương ước cả rồi. Tuy nhiên, đó là việc xảy ra ngoài kiểm soát của chính quyền" - ông Vỹ nói.

Những ai đặt chân đến địa bàn xã miền núi Sơn Tây sẽ cảm nhận rõ cuộc sống nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều ngôi nhà lụp xụp, nghề nghiệp chính của người dân địa phương vẫn là làm nông nghiệp.

Theo số liệu mới nhất, toàn xã có 104 hộ nghèo, 116 hộ cận nghèo. Như vậy, việc tổ chức một đám cưới "vàng không còn chỗ đeo" là hình ảnh tương phản để thấy rõ mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa những người nông dân chân lấm tay bùn với những thương gia buôn gỗ giàu sụ. Thậm chí, đó còn là hình ảnh làm nhiều người nghèo tủi thân, rơi nước mắt.

Liên quan đoàn xe môtô "khủng" dẫn đoàn rước dâu tại đám cưới nói trên mà người điều khiển không đội mũ bảo hiểm, nhiều xe không biển kiểm soát, sáng 4/3, Trưởng Công an huyện Hương Sơn - đại tá Dương Văn Trường - cho biết, Công an huyện đã tiến hành xử phạt hành chính 4 đối tượng, hiện vẫn còn 4 đối tượng đã xác định được danh tính, tuy nhiên họ đang đi làm ăn, buôn bán ở Lào chưa về. Khi họ trở về, Công an huyện sẽ triệu tập đến làm việc để xử lý nghiêm túc.

  Theo Trần Tuấn

Theo Lao Động
MỚI - NÓNG