Choáng váng khi nhận hung tin trực thăng Mi-171 rơi

Hiện trường vụ trực thăng Mi - 171 gặp nạn. Ảnh: PV
Hiện trường vụ trực thăng Mi - 171 gặp nạn. Ảnh: PV
TP - Đến cuối giờ chiều 7/7, thêm một chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18 qua đời tại Viện bỏng Quốc gia, nâng số người hy sinh trong vụ rơi máy bay Mi-171 sáng cùng ngày tại Hà Nội lên con số 17. Một tổn thất to lớn cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hy sinh khi huấn luyện bay

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia (UBQG) Tìm kiếm Cứu nạn, lúc 7 giờ 45 ngày 7/7, trong khi đang bay huấn luyện thả dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc, máy bay Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân bị rơi tại địa phận thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Được biết, chiếc máy bay này cất cánh từ sân bay quân sự Hòa Lạc từ lúc 7 giờ 30 phút, sau đó bị mất liên lạc. Khi vụ tai nạn xảy ra, trên máy bay có 21 người (gồm 3 người của tổ bay và 18 cán bộ, giáo viên, học viên nhảy dù tham gia huấn luyện, trong đó có 10 chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 18 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội).

Vụ tai nạn khiến 16 người hy sinh tại chỗ (trong đó có 6 chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 18) và 5 người bị thương nặng. Số người bị thương được đưa về Bệnh viện Quân y 105, sau đó chuyển về Viện bỏng Quốc gia để điều trị; số người hy sinh đưa về Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Đến chiều cùng ngày, thêm một chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18 qua đời tại Viện bỏng Quốc gia, nâng số người hy sinh trong vụ tai nạn lên con số 17. 

Choáng váng khi nhận hung tin trực thăng Mi-171 rơi ảnh 1

Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chỉ đạo tại hiện trường máy bay rơi

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra chừng 2 phút, huyện đã nhận được thông tin và lập tức điều động lực lượng công an đến bảo vệ hiện trường, lực lượng PCCC đến khống chế đám cháy, cán bộ y tế đến tham gia đưa các thi thể và nạn nhân ra khỏi
hiện trường. 

Đến 8h20 lực lượng PCCC, công an, y tế xã Thạch Hòa và huyện Thạch Thất đã khống chế được đám cháy, đồng thời đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường. Với những chiến sỹ còn sống sót, cán bộ y tế lập tức chuyển tới các bệnh viện quân y. Vào thời điểm này, lực lượng cứu nạn cứu hộ Bộ Quốc phòng; lực lượng PCCC, Công an TP Hà Nội cũng có mặt tại hiện trường để bảo vệ an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn và phong tỏa toàn bộ hiện trường vụ tai nạn, ông Hồng cho biết.

Ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất cho biết thêm, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, huyện lập tức thông tin cho cơ quan quân đội và điều động toàn bộ lãnh đạo huyện tới hiện trường, bảo vệ trật tự an ninh và tham gia chỉ đạo cứu hộ. “Chỉ tính riêng quân số của huyện Thạch Thất đã có tới trên 100 cán bộ, chiến sỹ, dân phòng với 30 xe chuyên dụng được điều động tới hiện trường tham gia, cứu hộ, cứu nạn” - ông Hoàn nói.

Theo quan sát của PV tại hiện trường sáng qua, khu vực xảy ra vụ tai nạn chỉ cách nhà dân chưa đầy 100m. Nhiều cây cối hoa màu thuộc cánh đồng của một số hộ dân thôn 11 xã Thạch Hòa đổ ngổn ngang. Nhiều mảnh vỡ của máy bay vung vãi cả vào sân, cửa của một số hộ dân sinh sống gần khu vực xảy ra vụ tai nạn. Chiếc trực thăng sau khi gặp nạn tại hiện trường chỉ còn lại mớ sắt vụn, nhiều thi thể cán bộ chiến sỹ biến dạng, không còn nguyên vẹn.

Đến 13h, các mảnh vỡ máy bay được dọn dẹp, chỉ duy nhất phần động cơ máy bay tại hiện trường bị phong tỏa. Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến Bệnh viện Quân y 105, kiểm tra nắm tình hình thực tế và chỉ đạo các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng khẩn trương triển khai các công việc cần thiết.

Thượng tướng Lê Hữu Đức đề nghị Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác và các bệnh viện trong quân đội, huy động mọi nguồn lực, tập trung cao nhất cho việc cứu chữa các cán bộ, học viên bị thương. Đối với các trường hợp đã hy sinh, cần giám định ADN nhằm xác định danh tính trong thời gian sớm nhất, tiếp đó tổ chức truy điệu và an táng trọng thể, phù hợp với nguyện vọng của các gia đình.

Choáng váng khi nhận hung tin

Sáng qua, phóng viên H.A, người từng ngồi trên chiếc trực thăng gặp nạn trên trong dịp đi ứng cứu nạn nhân sập cầu Chu Va 6 tại Lai Châu vào tháng 3/2014 đã bủn rủn chân tay khi nhận được hung tin. Anh H.A cho biết, sau khi nhận được tin trực thăng rơi, anh lập tức lên đường đi tác nghiệp, nhưng khi tới hiện trường nhận diện được chiếc trực thăng trên anh rụng rời chân tay và không thể tiếp tục tác nghiệp.

Choáng váng khi nhận hung tin trực thăng Mi-171 rơi ảnh 2

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm hỏi động viên người nhà nạn nhân trong vụ rơi máy bay tại Viện Bỏng Quốc gia. Ảnh: Như Ý

Một người bạn tên H. từng được chiến sỹ K. (tử nạn trên máy bay Mi-171 số hiệu 01) huấn luyện nhảy dù, đang làm việc tại một đài truyền hình trên địa bàn TP Hà Nội cũng khóc nức nở từ khi đọc được tin chuyến bay gặp nạn trên báo Tiền Phong. Chị H. khóc thâu trưa không cầm được nước mắt cũng không bình tâm để chia sẻ thông tin về cuộc sống của người bạn đã tử nạn.

Trong số 21 người trên chiếc máy bay gặp nạn, có 3 cán bộ, nhân viên của Trung đoàn 916, gồm: Thượng tá Hoàng Lại Long, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn, phi công cấp 1 (Thượng tá Long là cơ trưởng của tổ bay); Đại úy Lê Thanh Việt, nhân viên bay; Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thanh, nhân viên cơ giới đường không). 10 chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 18 có mặt trên máy bay đều là quân nhân chuyên nghiệp và trong độ tuổi từ 28 đến 33 tuổi.

 N.Minh

MỚI - NÓNG