Từ vỉa hè kiếm sống đến ông chủ công nghệ cao- Kỳ 1:

Chơi triệu đô nhưng không phải là khùng

Ông Nguyễn Tăng Cường bên cảng nước sâu đa năng sắp được hạ thủy. Ảnh: Sơn Bình
Ông Nguyễn Tăng Cường bên cảng nước sâu đa năng sắp được hạ thủy. Ảnh: Sơn Bình
TP - Không chơi siêu xe, máy bay như một số đại gia khác, ông Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) đã bỏ ra nhiều nghìn tỷ đồng để chế tạo cần cẩu có sức nâng nghìn tấn, hay xây dựng nhà máy phát điện từ năng lượng sóng biển…

Từ những thử nghiệm mà nhiều người cho là điên rồ, ông Cường đã ứng dụng thành công vào sản xuất, góp phần làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỷ đồng.

“Giải cứu” các công trình thủy điện

Năm 2012, trong một chuyến công tác tại Ninh Bình, chúng tôi được Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình) giới thiệu về những doanh nhân nổi bật của địa phương, trong đó có ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung với những công trình “khủng” đầy tính sáng tạo. Một trong số đó là việc thiết kế, chế tạo và đưa lên Sơn La chiếc cần cẩu 1.200 tấn, góp phần không nhỏ đẩy nhanh tiến độ công trình mang tầm quốc gia hạng nhất này.

Câu chuyện làm nảy sinh sự tò mò. Để công tìm hiểu về vị doanh nhân này, rồi có duyên gặp để hỏi thực hư những điều thoạt nghe tưởng như chuyện đồn thổi, chúng tôi biết được những tình tiết kỳ lạ về cuộc đời và thành tựu của người xuất phát từ bám lề đường kiếm sống đi lên, giờ đây là ông chủ của những công nghệ cao, được vinh danh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ông Nguyễn Tăng Cường sinh ra và lớn lên tại vùng đất địa linh nhân kiệt Hoa Lư, Ninh Bình. Năm 1986, Nguyễn Tăng Cường khởi nghiệp với nghề sửa chữa xe đạp, sau đó là xe máy. Với trí tò mò, sáng tạo, ông đã “mổ xẻ” hàng trăm chiếc xe máy, xe cẩu, thay thế các linh kiện cũ nát, cải tiến các chức năng để giúp chúng “hồi sinh”. Chẳng mấy chốc, tay nghề của ông đã nổi tiếng khắp giới làm cơ khí đất Ninh Bình.

Nhận thấy nghề cơ khí ngày càng phát triển, thị trường rộng mở, năm 1992, ông Cường quyết định thành lập Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Cơ khí Quang Trung) với vỏn vẹn 9 thành viên. Ông Cường cho biết, từ khi thành lập đến nay, xí nghiệp đã tập trung đi sâu vào lĩnh vực luyện kim, nghiên cứu và sản xuất ra các loại mác thép chịu nhiệt, chịu mài mòn, chịu a xít, chịu va đập... rất hiệu quả. Bằng chứng là hàng loạt sản phẩm của Cơ khí Quang Trung đã được đưa vào ứng dụng trong các nhà máy xi măng trên cả nước, với giá chỉ bằng 50 - 60% so với hàng nhập ngoại.

Tiếng lành đồn xa, Cơ khí Quang Trung liên tiếp nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Nhà máy phân bón và hóa chất Lâm Thao, Apatit Lào Cai, Nhà máy Supe Long Thành - Đồng Nai, Nhà máy giấy Bãi Bằng, các Cty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Với thành công đó, năm 2000, Cơ khí Quang Trung tiếp tục lấn sang lĩnh vực mới, đó là nghiên cứu, sản xuất các thiết bị nâng hạ; tiêu chuẩn hóa, nội địa hóa các chi tiết của cần cẩu và đã chế tạo thành công các thiết bị cần cẩu có tải trọng từ 5 tấn đến 50 tấn. Năm 2004, Cơ khí Quang Trung đã thiết kế, chế tạo thành công trục chân đế 80 tấn phục vụ cho ngành công nghiệp đóng tàu. Tiếp đó, các thiết bị nâng hạ có tải trọng lớn từ 100 tấn đến 1.200 tấn lần lượt ra đời, góp phần phục vụ hiệu quả cho nhiều lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung do ông Nguyễn Tăng Cường làm Giám đốc không chỉ cung cấp nhiều sản phẩm “độc”, “khủng”, chất lượng, mà còn “giải cứu” nhiều trường hợp rơi vào thế bế tắc. Điển hình như Cơ khí Quang Trung đã chế tạo thành công cầu trục có tải trọng 500 tấn cho Nhà máy thủy điện Sê San 3, Gia Lai hồi năm 2005. Ông Cường cho biết, vào thời điểm đó, nếu mua một chiếc cầu trục có tải trọng tương tự của nước ngoài thì giá sẽ đắt gấp 3 lần so với giá cầu trục của Quang Trung sản xuất, chưa kể phải đợi cả năm trời mới có máy móc đưa về tới công trình.

Ngoài ra, Cơ khí Quang Trung còn cung cấp cầu trục cho các công trình thủy điện Đồng Nai 3, 4; Sông Tranh 2. Đặc biệt là năm 2008, Cơ khí Quang Trung đã sản xuất thành công cầu trục lớn nhất Việt Nam với tải trọng 1.200 tấn phục vụ cho các nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á là Sơn La và Lai Châu.

“Thú chơi” nghìn tỷ

Mới đây, chúng tôi lại có dịp gặp doanh nhân Nguyễn Tăng Cường tại Quảng Ninh. Sau câu chuyện, chúng tôi mới biết hóa ra ông còn có nhà máy rất hoành tráng tại Uông Bí. Ông Cường vui vẻ cho biết: Bạn bè vẫn thường bảo tôi “đi mây về gió”, buổi sáng còn ở Ninh Bình, trưa đã thấy ở Hải Phòng, rồi Quảng Ninh… Chỉ riêng nhà máy ở Uông Bí, tôi đã đầu tư vào đây 6.500 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đến thăm một nhà xưởng khi nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 40 độ C, tôi cứ hình dung trong đầu nhà xưởng chắc ồn ào, ngột ngạt khó thở lắm. Vậy mà khi bước chân vào xưởng, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước hệ thống máy móc sắp đặt gọn gàng, hơi lạnh từ máy điều hòa phả ra mát rượi. Tận mắt chứng kiến những nữ công nhân dùng máy gọt sắt mà nhẹ nhàng như… thái chuối, chỉ việc bấm vài nút điều khiển là phôi thép biến thành sản phẩm như mong muốn trong tích tắc…, tôi nghĩ, trình độ ngành cơ khí của Việt Nam đã và đang sánh ngang với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.  

Ông Cường cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp công nhân giải phóng sức lao động, Xí nghiệp đã chi nhiều triệu đô la nhập khẩu thiết bị máy móc tối tân nhất từ Đức, Nhật… Chỉ vào cỗ máy lừng lững, chiếm diện tích cả trăm mét vuông trước mặt chúng tôi, ông Cường nói chỉ cần đưa chiếc xe tăng chạy qua, cỗ máy sẽ tự sao chụp và tự động cắt gọt ra một chiếc xe tăng tương tự. Máy có tính năng vừa chụp cắt lớp, vừa chụp 3D, sẽ sao chụp từng chi tiết từ ngoài vào trong cỗ xe tăng.

Tới khu nhà xưởng thứ hai, ông Cường giới thiệu về Nhà máy phát điện bằng năng lượng sóng biển với mức đầu tư gần 1 nghìn tỷ đồng. Để chế tạo dây chuyền hoạt động cho nhà máy này, hàng trăm công nhân đã miệt mài làm việc gần 5 năm trời. Khi hỏi đơn vị nào đặt hàng sản phẩm này, ông Cường cười nói: “Đây là công trình do tôi đầu tư, chỉ để cho thỏa mãn trí sáng tạo mà thôi”.  Nhà máy phát điện hoạt động theo nguyên lý của chiếc guồng nước. Khi sóng biển tác động vào các lá quạt sẽ khiến chiếc guồng quay dẫn động đến tua bin phát điện.

Chơi triệu đô nhưng không phải là khùng ảnh 1

Bỏ hàng triệu đô đầu tư thiết bị hiện đại. Ảnh: Sơn Bình

Ông Cường cho rằng, Việt Nam là nước có bờ biển dài, nếu biết tận dụng năng lượng từ sóng biển thì sẽ làm lợi cho đất nước kinh phí khổng lồ, góp phần bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Thêm vào đó, nước ta còn có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nếu dùng máy phát điện bằng sóng biển sẽ thuận lợi và tiết kiệm chi phí hàng trăm lần so với việc kéo cáp ra ngoài đảo hay dùng máy phát điện.

Chưa hết, tại khu vực cảng do ông Cường đầu tư, tôi tận mắt chiêm ngưỡng cảng nổi dài 180m, rộng 26m, có tải trọng gần 70.000 tấn. Kể từ khi bắt tay vào đóng công trình khổng lồ này, Xí nghiệp Quang Trung đã tiêu tốn trên 1.300 tỷ đồng. Ông Cường tiết lộ, con tàu chưa được đặt tên, nhưng khi hoàn thiện dự kiến sẽ mang tên Hòn Miều - Cái Chiên và sẽ là phương tiện nổi đặc biệt nhất thế giới do người Việt nghiên cứu và sản xuất.

 Theo ông Cường, con tàu không chỉ có mục đích vận chuyển hàng hóa, mà nó có thể hoạt động như một cảng biển di động để luân chuyển hàng hóa từ khu vực nước sâu vào khu vực nước cạn và ngược lại. Với công năng đó, con tàu sẽ là một giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu công vận chuyển hàng hóa từ tàu lớn vào bờ mà không phải chuyển sang tàu nhỏ, tiết kiệm 50% chi phí so với cách vận chuyển hiện nay, đồng thời góp phần giảm áp lực vận tải cho đường bộ, hạn chế tai nạn giao thông.

Ông Cường tiết lộ, nhằm hướng tới việc đa dạng hóa sản phẩm ngành cơ khí, năm 2012, Cơ khí Quang Trung đã thiết kế, chế tạo và thi công các công trình kết cấu thép khẩu độ lớn như cầu vượt bằng thép để hạn chế ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng các loại cầu treo dân sinh, nhà giàn thép, trung tâm hội chợ triển lãm... Ngoài ra, Quang Trung cũng chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm đèn led chiếu sáng đường phố sử dụng công nghệ nano tiết kiệm tới 60% điện năng, các loại cột, trụ, thân đèn được đúc theo công nghệ tiên tiến, có hoa văn tinh xảo và độ bền cao...

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Tăng Cường nói: “Nghề cơ khí đã là “duyên số” với tôi rồi. Khi thấy tôi mang cả thành tựu, cả cuộc đời ra để “đánh cược” vào việc sản xuất các loại máy móc “khủng”, nhiều người bảo tôi điên. Tôi không sợ mạo hiểm, mà chỉ mong muốn được mang ý chí, nghị lực, sức sáng tạo của mình ra để phục vụ đất nước. Ngoài việc nỗ lực học hỏi, tiếp cận công nghệ và làm chủ công nghệ, cộng với một chút may mắn, thì những lần “cá cược” ấy đã đem lại những giải thưởng ý nghĩa cho cá nhân tôi và góp phần tiết kiệm cho đất nước nhiều nghìn tỷ đồng”.

Cơ khí Quang Trung đã đầu tư 6.500 tỷ đồng xây dựng Khu công nghệ cao tại Uông Bí – Quảng Ninh, diện tích 91ha với dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay nhưng vẫn chưa thỏa mãn các yêu cầu và ý tưởng sáng tạo của Nguyễn Tăng Cường. Mới đây Nguyễn Tăng Cường đã quyết định lập dự án đầu tư tiếp giai đoạn II 1.500 tỷ đồng để nâng cao thêm chiều sâu công nghệ, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trong thời kỳ mới.

MỚI - NÓNG