Chơi vơi trước biển - Kỳ I: Bấp bênh

Người dân Cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh) trước bờ biển bị xói lở. Ảnh: Hòa Hội.
Người dân Cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh) trước bờ biển bị xói lở. Ảnh: Hòa Hội.
TP - Bãi bồi ven biển, cồn cát, kênh mương ăn thông ra biển thành cụm dân cư cơ cực, bêu mạng sống với sóng biển, với rắn độc ven rừng. Đất chật, người đông, người dân từ đất liền kiếm sống lấn dần về phía biển, rồi dừng chân, dựng lều, cất chòi thành xóm làng heo hút ven rừng phòng hộ, chơi vơi trước biển mênh mông.

Chơi vơi Cồn Nhàn       

Trời bắt đầu hửng nắng, ông Trần Văn Chốp, 59 tuổi, ở Cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh) đã có mặt ngoài đồng từ sớm để đắp đất trồng dây thuốc cá. Cồn Nhàn là giồng cát chạy dài theo bờ biển, sóng biển khoét sâu bãi cát. Hàng phi lao xơ xác, cây chơi vơi, cây gãy ngổn ngang cặp mé biển. Người dân Cồn Nhàn phải bám biển để kiếm sống vì không có đất để trồng trọt, chăn nuôi.

Ông Chốp cặm cụi cuốc đất, đắp thành từng mô. Mồ hôi ướt đẫm, dừng tay cuốc, ông Chốp ngồi bệt xuống đất, kéo tà áo lau mồ hôi trên trán: “Tôi mới chuộc lại khoảnh đất này, đã cầm cố gần 15 năm, trồng cây thuốc cá. Trồng dây thuốc cá bò được, sẽ tìm việc làm thuê, chứ đợi hơn một năm rưỡi mới thu hoạch là chết đói liền!”- ông Chốp nói.

“Theo khảo sát của các ban, ngành chức năng trong tỉnh, từ năm 2007 đến nay, khoảng 80%  bờ biển Cà Mau từ biển Đông sang biển Tây dài 254 km bị sạt lở, bình quân mỗi năm khoảng 15m, có nơi đến 50m và diện tích rừng phòng hộ bị cuốn mất khoảng 300 ha/năm.

Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN & PTNT Cà Mau

Gần 60 tuổi, ông Trần Văn Chốp người khô đét, nhỏ thó, gầy nhom, da ngăm đen, tóc bạc gần hết. Vợ chồng ông có 2 con, cả 2 đều có vợ có chồng, nghèo khó, phải làm thuê kiếm sống. Con trai lớn của ông là Trần Văn Hận có 2 con, ở trong căn chòi sát biển. Anh Hận nói: “Không có tiền mua đất, phải ở “lều mạng”, sóng biển xô hoài, ớn lắm!”. Con gái út ông Chốp là Trần Thị Lắm cũng có được 2 con, dựng lều ở cách nhau vài bước chân cũng nghèo khổ, sống bằng nghề đặt lú, lưới cá ven biển.

Hiện tại, vợ chồng ông Chốp sống nương tựa nhau trong căn nhà ọp ẹp. Ông kể, hơn 5 năm nay, tôi bị đau thần kinh tọa, chân trái teo, co rút, đi lại khó khăn. Còn vợ lại bị kiến chui vào tai cắn trong một lần làm thuê cho người ta, điếc cả hai tai, suốt ngày quanh quẩn ở nhà.

Chiều tà, gió biển mát rượi, sóng biển rì rầm, hàng phi lao lưa thưa, nghiêng theo gió. Ngoài xa, dáng người đàn ông cố bơi chiếc xuồng nhỏ vào bờ. Nét mặt ông xanh ngắt, ướt nhem, run lập cập: “Ngoài khơi biển động lắm, sóng cao gần mét, sắp giông tới”- ông Lâm Văn Cường nói. Mẻ cá kéo lưới bày ra, chừng chục ký, vợ con ông lựa ra để bán lấy tiền mua gạo.

Vợ ông Cường là bà Lê Hồng Giang, 40 tuổi, vừa lựa cá, vừa ước lượng chắc bán được 300.000 đồng, chia phần cho người bạn làm công 150.000 đồng. Ông Cường nói: “Đêm qua, dự báo thời tiết, có bão biển Đông, chắc phải ngồi nhà. Xứ này, ai khô mình mẩy là đói cả nhà luôn!”.

Người dân Cồn Nhàn kể lại vô số chuyện thiên tai nhấn chìm nhà cửa, xuồng ghe, tính mạng vì xuồng nhỏ không chịu nổi sóng to, gió lớn.

Chơi vơi trước biển - Kỳ I: Bấp bênh ảnh 1

Cụm dân cư mồ côi kênh Mương Bảy, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu).

Dân cư mồ côi

Vùng sông nước miền Tây Nam bộ, vô số kênh rạch từ đất liền xuyên vô rừng phòng hộ, đổ ra biển Đông đến biển Tây của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Bà con nghèo mò cua bắt ốc trong rừng phòng hộ, chài lưới ven biển đã cất chòi, dựng lều thành những cụm dân cư mồ côi.

Trời đứng bóng, nước mặn nhảy mé kênh Mương Bảy, thuộc ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu), dòng người từ biển lội vào, mình mẩy ướt mem, lấm lem sình đất, quẩy thùng nhựa nặng với ốc, cua, cá, tép…bắt được. Ông Tô Văn Chiến (Tám Chiến), 67 tuổi, hơi thở nặng nề do bị bệnh đã lâu. Ông cất tiếng: “Hôm nay đỡ không?”. Những người mò cua, bắt ốc, cào nghêu phấn khởi: “Trời êm, trúng mánh rồi!”.

Thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu hơn 4.000 hộ dân sống trong rừng phòng hộ ven biển. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Bạc Liêu: “Tình trạng dân cư sống trong rừng phòng hộ đã tồn tại từ lâu, nghèo khó dai dẳng nhưng chưa giải quyết được nguyên nhân đói nghèo. Tập quán, nhu cầu sinh sống bám vào rừng, vào biển từ đời này sang đời khác”.

Ngôi nhà đơn sơ của ông Tám Chiến ở gần chót kênh Mương Bảy thành bãi để xe của bà con vô rừng, xuống biển khu vực Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu). Bà con dựng xe hai bánh cặp mé rừng, đi kiếm sống, rồi lại lấy xe chở ba, chở bốn về nhà. Ông Tám Chiến nói: “Người vô rừng, ra biển ở rải rác nhiều nơi. Xóm kênh Mương Bảy chỉ có 20 gia đình thân thuộc là 8 đứa con tôi, 7 đứa cháu con của ông anh ruột và gánh con của ông sui. Lúc tôi ra đây, kênh Mương Bảy có 2 ngôi nhà thì nay đông cỡ đó”.

Xế chiều, căn nhà tạm bợ chót cùng bên kênh xáng Cái Cùng, xã Long Điều Đông (Đông Hải, Bạc Liêu) chỉ có tiếng trẻ con. Gọi chủ nhà, ông Nguyễn Hoàng Dũng, 58 tuổi, lụi hụi bên trong, dụi mắt, nói: “Mấy cha con thức suốt đêm, phải ngủ bù”. Ông Dũng bị cụt cả 2 chân trong chiến tranh nên bà con thường gọi là Tư Cụt. Gần 20 năm trước, vợ chồng ông từ thị trấn Giá Rai dời nhà ra với 6 đứa con thì nay thành 6 ngôi nhà đơn sơ ở cuối kinh xáng Cái Cùng.

Ông Tư Cụt cho biết, các con trai, rể của ông còn khỏe mạnh, đi cào nghêu ven biển nhưng dạo này nhà người giàu bao chiếm bãi nghêu tự nhiên, phải cào lén vào ban đêm. Còn ông, chân cụt đến đầu gối nên chỉ lếch xuống mé kênh xáng Cái Cùng đặt cá kèo con: “Suốt đêm qua, tôi kéo được chừng 2 ly cá kèo con, ươm lớn, bán chắc được vài chục ngàn!”.

Hơn 10 người lớn tập tụ tại nhà ông Tư Cụt là con, dâu, rể. Chuyện mò cua, bắt ốc, giăng lưới, làm thuê…đeo đẳng suốt từ thời còn trẻ đến lúc trưởng thành. Người con trai thứ 4 của ông Tư Cụt là Nguyễn Văn Đẳng, 31 tuổi nói: “Nhà nghèo, cưới vợ thêm miệng ăn, sao lo nổi. Hết mùa đặt cua, cá con, tôi đi làm thuê tàu cá, trừ hết chi phí, chủ 6 phần, mình 4 phần. Rất nhiều chuyến biển đi cả tuần, trắng tay”.

Câu chuyện vui ít, buồn nhiều mò cua, bắt ốc, chài lưới ven biển trong ngôi nhà ông Tư Cụt vụt tắt. Con gái ông Tư Cụt là Nguyễn Thị Chúc, 29 tuổi, chạy vô, nói không nên lời: “Ba tính sao kiếm tiền, má sắp mổ u nang ở bệnh viện”. Ông Tư Cụt mặt đỏ lừ, mắt nhìn xa, không nói lời nào.

Bà Trần Thị Lụa, 57 tuổi, vợ của ông Tư Cụt, bị tai biến trong khi sinh nở, điếc cả hai tai, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hải. Con gái của bà Lụa kể: “Má nằm bệnh cả chục ngày rồi, không có tiền đi thăm, làm sao lo mổ”.

Chơi vơi trước biển - Kỳ I: Bấp bênh ảnh 2

Bé Thạch Sơn kiếm được vài chục ngàn sau một ngày vào rừng bắt ốc.

Đêm nằm sợ biển cuốn đi

Vào mùa mưa ở Nam bộ, ven biển hứng chịu nước dâng, sạt lở ăn sâu vào đất liền như thể “của biển cho, biển lấy lại”. Con sông Gành Hào đổ ra biển Đông chia đôi, nới rộng khoảng cách 2 cụm dân cư thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) và xã Tân Thuận (Đầm Dơi, Cà Mau) xa dần. Phía bên kia là thị trấn Gành Hào được đầy tư xây dựng kè bê tông kiên cố. Phía đối diện là ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận sạt lở.

Bà Nguyễn Thị Tú Anh cùng chồng là Đặng Văn Dững, quê ở Bến Tre, dựng nhà ở bên cửa biển Gành Hào, ấp Lưu Hoa Thanh, nói: “Vợ chồng tôi dời lần thứ 4 rồi đó. Ở gần cửa biển, đi ra biển gần nhưng nước dâng ngập hết. Hồi còn trẻ, tụi tui bơi thi qua sông Gành Hào như chơi. Còn bây giờ, sông Gành Hào lở rộng quá, bơi đứt hơi luôn cũng chẳng tới bờ”.

Ông Phạm Văn Tươi, 71 tuổi, nhà số 129, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận (Đầm Dơi, Cà Mau) đong đưa trên võng trong cái gió từ biển ù vô, sóng biển bạc đầu xô vào bờ đất cửa sông Gành Hào. Ông Tươi nói: “Bà con ở đây, mỗi người dời nhà ít nhất cũng đôi ba lần, biển cứ lấn vào, dân phải lùi vô. Ban đêm, ban hôm mà mưa gió kiểu này là ôm mùng mền chạy, bởi nước tràn lênh láng”.

Ấp Lưu Hoa Thanh có hơn 1.000 hộ dân, trong đó sống trong rừng phòng hộ, ven biển hơn một nửa, phải di dời vào khu tái định cư 144 hộ để tránh nước biển dâng. Vẫn còn 260 hộ, 700 người di cư tự do, chưa nhập khẩu mà chính quyền ở đây nói rằng những hộ dân “tạm trú lì”.

Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) nói: “Thời gian gần đây, hiện tượng nước dâng, nhất là những tháng cuối năm. Những trận áp thấp nhiệt đới, tin bão, chúng tôi phải di dân vào đất liền để tránh nước biển dâng”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG