Chọn được người “có tài, có đức”... còn rất xa!

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền.
TPO - “Cử tri nói chọn được người có tài, có đức vào bộ máy nhà nước, từ lý thuyết đến hiện thực là khoảng cách rất xa”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 22/10.

Tại phiên thảo luận tổ của đoàn ĐBQH Hà Nội sáng nay, nhiều ý kiến đã đề cập đến công tác cán bộ, vấn đề đang được quan tâm nhiều trong thời gian qua. Phiên thảo luận có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đề cập đến thể chế nền hành chính quốc gia, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, yếu tố con người trong tổ chức bộ máy quyết định đến việc phát triển có bền vững hay không. Theo ĐB Quyền, vấn đề quy hoạch cán bộ là cái được nhất trong thời gian qua, đã dần đi vào nề nếp, bài bản.

Tuy nhiên theo ĐB kết quả trên cũng chỉ là bước đầu. “Cử tri nói chọn được người có tài, có đức vào bộ máy nhà nước, từ lý thuyết đến hiện thực là khoảng cách rất xa”.

ĐB Quyền đề nghị cần phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan hơn về năng lực trách nhiệm của cán bộ công chức trong cả hệ thống chính trị. “Vấn đề bổ nhiệm, xử lý vi phạm đã tương xứng chưa? Tôi rất lo lắng về chất lượng cán bộ. Có lần tôi chấm thi chuyên viên cao cấp, ngay cả người đứng đầu ngành, đứng đầu tỉnh, vụ trưởng, vụ phó mà thấy chất lượng rất đáng lo ngại”, ĐB Quyền nêu.

Từ thực trạng trên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay phải là củng cố lại bộ máy, trong đó có bộ máy nhà nước phải đặt lên hàng đầu. “Tôi hi vọng trong nhiệm kỳ mới sẽ có bước đột phá về công tác cán bộ. Ngoài ra cần phải có giải pháp tiết chế quyền lực như ở một số nước. Việc bổ nhiệm cán bộ phải rất thận trọng, để bộ máy cán bộ thực sự là dẫn dắt, tạo động lực phát triển trong thời gian tới”, ĐB Quyền nêu.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Bùi Thị An đề nghị phải luật hóa quyền hạn của người đứng đầu. “Những cái được thì có khi người đứng đầu được, nhưng hễ xảy ra chuyện gì lại do cấp phó, cấp dưới. Như vậy là không công bằng, cần phải đưa vào luật. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, ĐB An đề nghị.

Cũng theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, bộ máy công quyền hiện nay quá nhiều tầng lớp, chi phí rất nhiều mà vẫn không xuể, do vậy cần phải tăng cường đổi mới, cải tổ bộ máy hiện nay.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.