Chống hạn, chống mặn bằng cách nào?

Chống hạn, chống mặn bằng cách nào?
Ngày 8/3, Sở NN&PTNT TP.Hồ Chí Minh đã triệu tập các cơ quan liên quan để bàn về vấn đề nguy cấp: Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Chánh Hoà- đại diện Xí nghiệp Tư vấn xây dựng- đơn vị chuyên quan trắc nước, cho biết: So với cùng kỳ năm trước, độ mặn đo được trên các dòng sông năm nay cao hơn từ 3,6 – 6,0 %o, mặn nhất từ trước đến nay tại các cùng điểm đo cùng thời kỳ.

Trên các hệ sông Nhà Bè-Đồng Nai và hệ sông Sài Gòn, mặn đã xâm nhập vào sâu khoảng 80 km kể từ cửa sông. Bình quân mặn xâm nhập sâu hơn những năm trước khoảng 10 km.

Ông Hoà nhấn mạnh, mặn đã thực sự đe doạ nguồn cấp nước của thành phố. Tại cửa lấy nước hai nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức độ mặn đã ở mức cao. Đây là khu vực bán nhật triều nên thời gian xuất hiện mặn cũng rất dài, khoảng 12 tiếng mỗi ngày. 

Ngoài ra, tại các khu vực Bình Chánh, quận 2 và 9, mặn đã xâm nhập vào nội đồng, ở ngưỡng rất cao. Hiện đã có gần 130 ha lúa Đông –Xuân tại Quận 9 và 3 ha rau tại Thủ Đức đã bị nhiễm mặn. Riêng khu vực phía Bắc Bình Chánh, ranh mặn 4%o đã khống chế toàn bộ khu vực kinh Xáng-Lý Văn Mạnh.

Nước ngọt: đong từng ngày

Các cơ quan chức năng đều lên tiếng cảnh báo: Nguồn nước ngọt cũng đang trong tình trạng cạn kiệt. Ông Trường Xuân – GĐ Cty Khai thác và quản lý dịch vụ thủy lợi TP.Hồ Chí Minh cho biết, mực nước hồ Dầu Tiếng hiện đang còn ở mức tương đương cao trình 18, cách mực nước chết 1 m và lượng nước chỉ còn lại khoảng 100 triệu m3.

Ông Xuân tính toán, lượng nước còn lại sẽ được xả xuống sông Sài Gòn 50 triệu m3 để giảm độ mặn trong tháng 3 và 50 triệu m3 còn lại sẽ tiếp tục xả trong tháng 4 tháng cao điểm hạn.

Như vậy, nguồn nước để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp về cơ bản là không còn. Những nơi có thể sản xuất được vụ Xuân-Hè đều phải trông chờ vào nước ngầm, song trong tình trạng hiện nay cũng không có nước ngầm để bơm.

Ông Xuân cho biết từ ngày 1-15/4 sẽ tạm ngưng cấp nước kênh Đông, kênh Tây để sửa chữa. Và từ thử nghiệm của mình, ông Xuân cho biết khi kênh Đông, kênh Tây không được cấp nước trong một tuần thì nước ngầm ở các khu vực xung quanh hai kênh này cũng chẳng có.

Trong khi đó, sự ô nhiễm của các kênh rạch cũng khiến cho tình trạng thiếu nước ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo ông Phạm Việt Thắng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nước và Phòng chống lụt bão thành phố, tình trạng ô nhiễm diễn ra tràn lan, trong đó khu vực bị ô nhiễm nặng nhất là kênh 16 và kênh 12.

Nước thải từ khu công nghiệp Lê Minh Xuân được thải thẳng ra hai dòng kênh này làm cho cả hai dòng kênh trở nên đen kịt, hôi thối và không còn khả năng cấp nước cho sản xuất.

Theo ông Hoà, thông thường phải đến đầu tháng 5 mới có mưa, tuy nhiên không phải cứ có mưa là đã bước vào mùa mưa, có nghĩa là nguy cơ thiếu nước gay gắt vẫn tiếp diễn.

Các cơ quan chức năng của thành phố khuyến cáo các hộ dân không sản xuất vụ Xuân-Hè đối với trồng trọt và tạm ngưng nuôi trồng thủy sản nước ngọt đối với các vùng nhiễm mặn cao. Thực chất, đây chỉ là các biện pháp tránh hạn, tránh mặn nhằm giảm thiệt hại trước mắt.

Cũng theo ông Thắng, để giải quyết căn bản tình trạng XNM và thiếu nước ngọt mùa khô ở khu vực hạ lưu thì phải trông chờ vào sự điều tiết nguồn nước từ các hồ thủy điện Trị An, Cần Đơn, Thác Mơ.

Trước đây thành phố đã có văn bản đề nghị ngành điện hỗ trợ việc này, song đến nay vẫn chưa nhận được sự phối hợp hay phản hồi.

MỚI - NÓNG