Chống kẹt xe: Người làm, kẻ phá!

Kẹt xe thường xuyên đang là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Ảnh: PV
Kẹt xe thường xuyên đang là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Ảnh: PV
TP - Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã làm mọi cách, kể cả xén vỉa hè, chắt chiu từng mét vuông mặt đường đưa vào phục vụ giao thông, trong khi các sở ngành khác của thành phố lại cấp phép cho xây hàng loạt cao ốc, trung tâm thương mại, trường học tại khu vực trung tâm, thậm chí tại các giao lộ đang là điểm nóng về nạn kẹt xe.

Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược càng làm cho mục tiêu giảm ùn tắc giao thông ở TPHCM trở nên xa vời…

Không kẹt mới lạ

8 giờ sáng 13/11, khu vực vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) xuất hiện tình trạng ùn ứ. Các phương tiện lưu thông dày đặc, nhích từng chút trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng ra Bến xe Miền Đông và đường Điện Biên Phủ, hướng từ ngoại ô vào trung tâm Sài Gòn. Mùi xăng khét lẹt, khói bụi và âm thanh chát chúa của những chiếc còi xe như thốc vào mặt, vào tai người đi đường.

Ông Nguyễn Văn Giỏi (56 tuổi, xe ôm) cho biết tình trạng kẹt xe hầu như ngày nào cũng diễn ra, nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Hàng nghìn sinh viên, học sinh, học viên tan học từ trường Đại học Kỹ thuật công nghệ và các trung tâm ngoại ngữ trên đường Điện Biên Phủ đổ ra đường gây kẹt xe. Những dịp nghỉ lễ, tết, dòng phương tiện về Bến xe Miền Đông tăng đột biến, nạn kẹt xe càng trầm trọng hơn.

“Nếu có thêm một đường hoa Nguyễn Huệ xứng tầm, các điểm bắn pháo hoa hoành tráng ở đâu đó thì đêm 30 Tết không còn là nỗi ám ảnh của người tổ chức lẫn du khách”.

PGS.TS Nguyễn Minh hòa,

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM

“Ngã tư Hàng Xanh mở rộng hai lần, làm cầu vượt thép, mới đây xén cả vỉa hè nhưng vẫn kẹt xe. Không hiểu mấy ổng tính toán kiểu gì, chỗ này đã có trường đại học, trường cấp 3 Gia Định rồi, lại cấp phép cho mở 5-6 trung tâm ngoại ngữ ngay ngã tư. Làm như vậy không kẹt xe mới lạ” - ông Giỏi nói.

Theo một số chuyên gia giao thông, tình trạng kẹt xe đang diễn ra chủ yếu ở khu vực trung tâm trong diện tích 160 km2, đặc biệt là khu lõi 930 ha và tại các cửa ngõ ra vào TPHCM. Hiện nay, việc cho các nhà đầu tư xây dựng các chung cư, cao ốc văn phòng cho thuê ở khu trung tâm đã giảm vì hết quỹ đất “vàng” nhưng thay vào đó là các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, điểm dịch vụ vui chơi giải trí tăng rất nhanh.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM cho biết có nhiều khu vực giao thông ùn tắc thường xuyên do lỗi từ các cơ quan chức năng, đó là mở các siêu thị, trung tâm thương mại ở điểm cuối của ngã ba chữ T hay ở ngay sát các điểm giao cắt giao thông
đông đúc.

Đơn cử, siêu thị Co-op Mart cuối đường Bùi Thị Xuân giao với Cống Quỳnh, siêu thị Sài Gòn đặt giữa điểm giao nhau của ba tuyến đường 3 tháng 2, Lý Thái Tổ và Nguyễn Tri Phương, siêu thị Big C nằm đúng điểm giao cắt  giữa hai tuyến đường đông đúc Tô Hiến Thành (phố chuyên doanh vật liệu xây dựng) và Sư Vạn Hạnh (phố dịch vụ thương mại) hay siêu thị Co-op Mart (quận 9) nằm ngay điểm giao cắt xa lộ Hà Nội và đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)…

Đề xuất cấp quota hệ số sử dụng đất

“Do dự báo kém, chỉ sau 5 năm xây dựng, khu công nghiệp Tân Bình nằm gọn trong nội thành và gây ách tắc giao thông ở cửa ngõ Tây Bắc” - ông Hòa cho biết.

Theo PGS TS Nguyễn Minh Hoà, cần kiên quyết di dời các siêu thị, cửa hàng, chợ nằm ngay những vị trí giao thông nhạy cảm. Khu công nghiệp Tân Bình, không di chuyển được vẫn có cách làm giảm ùn tắc trên trục đường Trường Chinh và cửa ngõ Tây Bắc là chuyển cổng vào khu công nghiệp sang hướng khác, tạo ra vòng xoay bán kính lớn. Giải pháp thứ hai là làm cầu vượt, tình trạng kẹt xe sẽ giảm.

“Việc chẩn đoán bệnh và bốc đúng thuốc là rất quan trọng, nếu không chúng ta cứ loay hoay mãi với việc cấm, phạt, hạn chế, tăng phí mà bản thân những người đề xuất cũng thấy không khả thi” - ông Hoà nói.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, năng lực của hệ thống giao thông nói riêng và hạ tầng đô thị có giới hạn, muốn “cấy” thêm công trình hay dự án vào một khu vực nào đó cần đánh giá sự tác động đến hệ thống hạ tầng hiện có.

Ông Cương lý giải: Lưu lượng giao thông phụ thuộc số dân và số dân lại phụ thuộc vào diện tích các công trình kiến trúc được xây dựng. Diện tích xây dựng liên quan đến hệ số sử dụng đất, là khả năng được phép xây dựng và là quyền lợi của chủ đầu tư.

“Để đảm bảo công bằng, ai muốn hệ số sử dụng đất cao hơn quy định thì phải mua phần dư thừa của người khác như là mua quota - hạn ngạch xây dựng. Những người xây vượt hệ số trung bình phải đóng thuế tác động phát triển. Việc này vừa đảm bảo công bằng, vừa bảo đảm không vượt năng lực của hệ thống hạ tầng” - ông Cương
đề xuất.

Theo TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nhiều dãy phân cách lắp đặt bất hợp lý gây ùn tắc, đơn cử như ở đại lộ Võ Văn Kiệt hướng từ Bình Chánh về quận 2, làn xe hai bánh quá nhỏ, trong khi ô tô thênh thang chạy trên ba làn. Do lượng xe hai bánh quá đông, sau đó người ta phải dành thêm một làn ô tô cho xe hai bánh.

Bất hợp lý là giữa hai làn xe hai bánh có một dãy phân cách cứng (có trồng cây xanh) rất vướng víu, dễ xảy ra tai nạn. Từ năm 2012 đến nay, dãy phân cách này được phá dỡ một số đoạn nên càng nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện vào ban đêm.   

MỚI - NÓNG