Chóng mặt rác

Chóng mặt rác
TP - Lượng rác thải năm sau nhiều hơn năm trước khiến các bãi chôn lấp báo động đầy ứ trước thời hạn. Trong khi đó, thêm nhiều hình thức thu gom rác được triển khai nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng vứt rác và đổ trộm phế thải tràn lan.
Chóng mặt rác ảnh 1
Đổ phế thải tại khu Hào Nam (Hà Nội) ngay sau khi công nhân môi trường đô thị vừa đi khỏi. Ảnh: MH

Hà Nội hiện có năm bãi chôn lấp rác thì ba trong số đó sắp đầy. Nam Sơn, bãi chôn lấp rác lớn nhất, đang báo động đỏ đầy ứ trước thời hạn. Anh Nguyễn Thanh Sơn, Cty Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), cho biết, lượng rác năm 2009 cao hơn năm trước rất nhiều và dự kiến ngày càng gia tăng.

Năm 2008 chỉ khoảng 2.500 tấn rác/ngày trên toàn thành phố thì nay đã lên tới 3.500 tấn/ngày. Bãi rác Nam Sơn lúc đầu, dự kiến sẽ đầy vào năm 2020 nhưng nay được báo sẽ đầy vào năm 2011.

Cty Môi trường Đô thị là đơn vị chính đảm nhận công tác xử lý toàn bộ rác tại chín quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Hoàng  Mai) và sáu huyện (là Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh).

Lượng rác xử lý năm nay ước tính khoảng gần 100 ngàn tấn, trong đó, Cty trực tiếp thu gom rác tại bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và chở đi chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn, nơi tiếp nhận từ tất cả các nguồn ước tính gần 360.000 tấn rác trong năm 2009.

Hằng ngày, công nhân môi trường đi thu gom rác vào 18h00 tại tất cả các khu dân cư và tuyến phố. Gần đây, do rác phát sinh từng giờ, nên Urenco đầu tư thêm tám xe thu gom rác lưu động đi dọc các tuyến phố chính, tuyến phố thương mại, phố cổ…

Hình ảnh thường thấy là một xe ca nhỏ chầm chậm chạy dọc phố từ 9 đến 15h00 với một công nhân đứng phía sau. Chỗ nào thấy rác, anh công nhân lại nhảy xuống gom lại đổ vào chiếc thùng trên xe.

Không chỉ có vậy, nạn xả rác tràn lan cũng tạo thêm công ăn việc làm cho một lực lượng nhặt rác thủ công bằng tay tại mọi tuyến phố của thủ đô vào ban ngày, trừ giờ cao điểm.

Người dọn, người vứt

Chị Nguyễn Thị Minh Hà, cán bộ Urenco, có trách nhiệm giám sát công tác thu gom rác trên địa bàn thành phố, cho biết, chị từng theo dõi, phục kích rất lâu tại khu vực phố Hào Nam và phát hiện người chở vật liệu xây dựng đến đổ trộm.

Việc này được báo cáo lên chính quyền phường. Urenco đã cho người thu gom, chở phế thải đi chôn lấp, sau đó bàn giao địa bàn sạch sẽ cho phường. Phường cũng cam kết không để tình trạng nói trên xảy ra. Nhưng cho đến nay, sự việc vẫn tiếp diễn.

Ngay khu phố chị Hà ở, phản ứng của dân về việc vứt rác cũng khác nhau. Một lần, thấy có người mang hai túi rác ra để ở hè đường, chị Hà nhắc nhở, người này đã mang rác quay vào, đợi đến giờ thu gom rác mới mang ra. Nhưng cũng có trường hợp khi bị nhắc nhở, người vứt rác phản ứng là họ có làm vậy thì công nhân môi trường đô thị mới có việc!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức phạt 300.000 đồng mà thành phố dự kiến áp dụng đối với hành vi xả rác bừa bãi ra đường được cho rằng khó khả thi. "Lấy đâu là bằng chứng cho việc xả trộm? Ai sẽ là người đi thu tiền phạt? Lấy đâu lực lượng để theo dõi, giám sát trên từng tuyến phố?" - Bác Trần Thị Ngà, Khu tập thể Quân đội, đường Trần Phú, băn khoăn. 

Từng nhiều năm mất ăn, mất ngủ và mất Tết vì rác, một cán bộ ngành môi trường cho rằng cần có lực lượng công an đô thị góp phần đắc lực trong việc ngăn chặn nạn xả rác bừa bãi đang ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.

Ngoài ra, cần có hệ thống camera trên từng tuyến phố để việc kiểm soát được bài bản và chủ động. Tuy nhiên, đây không phải là việc ngày một ngày hai và sẽ rất tốn kém. 

MỚI - NÓNG