Chống tham nhũng để làm gì?

Chống tham nhũng để làm gì?
TP - Hôm nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang ngày càng khó khăn.

Cuối năm 2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giám sát về đấu tranh phòng chống tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền (thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án) cho biết, tham nhũng vẫn xảy ra nhiều nơi với tính chất, hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Chính phủ hồi cuối năm 2009 cũng thừa nhận, tư tưởng sợ trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng còn nhiều. Rõ ràng, nhiều nơi chưa nhận thức được mức độ tối quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng.

Năm 2009 có hai vụ điển hình liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ và ông Đoàn Văn Kiển.

Ông Sỹ là giám đốc Dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP Hồ Chí Minh, bị phát hiện tiêu cực từ Nhật Bản khi phạt tù bốn quan chức bên đó về tội hối lộ 820.000 USD, được khai là đưa cho ông Sỹ.

Sau đó, ông Sỹ bị tòa án TP Hồ Chí Minh xử 3 năm tù về một hành vi không liên quan gì đến vụ hối lộ. Tháng 1-2010, ông Sỹ mới bị khởi tố hành vi nhận hối lộ, bước đầu xác định là 262.000 USD.

Còn ông Đoàn Văn Kiển, lúc đương chức Chủ tịch Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng chỉ ra nhiều sai phạm, như để xảy ra buôn lậu 18 triệu tấn than, thiếu trách nhiệm trong một hợp đồng gây thất thoát 78 tỷ đồng.

Ông Kiển bị cảnh cáo và “cho nghỉ hưu”. Việc xử lý như thế, dư luận cho là quá nhẹ, đều được lý giải do có nhân thân tốt.

Cần đặt ra câu hỏi: “Chống tham nhũng, thất thoát để làm gì? Chống tham nhũng, thất thoát để bảo vệ công lý hay bảo vệ tình cảm cá nhân, bảo vệ dân tộc hay bảo vệ gia tộc, bảo vệ sự trong sạch của bộ máy nhà nước hay bảo vệ sự trong sạch cho một vài người?”.

Một bộ máy nhà nước về nguyên tắc là liêm chính, bởi nó cần lòng tin và sự trung thành của dân chúng để được tồn tại lâu dài. Tham nhũng sinh ra do lòng tham của một số quan chức trong bộ máy ấy, nó ở bên ngoài lọt vào.

Nhưng khi nó tác oai tác quái thì đã ở bên trong, dù nó vốn ở bên ngoài thể chế. Từ một ít cá nhân tham lam vơ vét bổng lộc, không kịp thời loại trừ, nhanh chóng nảy nở. Xảy ra tình trạng kéo bè kết cánh, thậm chí còn dùng chiêu bài chống tham nhũng để giữ quyền lực. Cho nên, tham nhũng không bao giờ tự nó tố cáo cái cơ chế dung dưỡng nó.

Bộ máy nhà nước của nhân dân lao động trung trinh nguyên tắc liêm chính. Những công chức xuất thân từ lao động tha thiết gắn bó với nhân dân lao động. Tuy nhiên, bộ máy ấy, các công chức ấy cũng không nằm ngoài tác động của những quy luật tha hóa phổ biến.

Đại văn hào Gorki (Nga) từng viết: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ. Điều đó đúng! Nhưng điều đó cũng có lẽ có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng”.

Cho nên, Lê-nin đã nêu luận điểm nổi tiếng, cách mạng phải có khả năng tự bảo vệ. Lê-nin cảnh báo, nếu đảng cầm quyền không thành công trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì sớm muộn cũng sẽ mất lòng tin của nhân dân và thất bại trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới.

Lê-nin chỉ ra, điều làm tiêu vong chính quyền cách mạng là việc đảng cầm quyền bảo vệ cho những tên vô lại trong hàng ngũ của mình.

Bác Hồ cũng dạy: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu quan trọng, cần kíp như đánh giặc trên mặt trận”. Bác nói rõ, nhân nhượng với quan liêu tham nhũng là dung dưỡng cho sâu mọt từ bên trong, “không quyết tâm diệt trừ lũ sâu mọt này, thì đến lượt nó, sẽ đục ruỗng chế độ, làm tiêu vong sự nghiệp”.

Bởi vậy lúc này, nêu câu hỏi chống tham nhũng để làm gì, phần nào đã là câu trả lời, nhưng là câu trả lời ở khía cạnh bức xúc nhất, khẩn thiết nhất. 

MỚI - NÓNG