Chống tham nhũng như trừng trị cái ác

Chống tham nhũng như trừng trị cái ác
TP - Hơn 200 trí thức có mặt tại TPHCM để bàn về nạn tham nhũng. Cuộc hội thảo này do ĐHQG phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức.

> Phanh phui tham nhũng cấp T.Ư chỉ chiếm 0,3%
> ‘Chạy chức là loại tham nhũng nguy hiểm nhất’

Đa số ý kiến của các đại biểu tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” đều có chung nhận định, tham nhũng đang thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, các cơ quan công quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, là sự biểu hiện tự “diễn biến hòa bình” làm suy yếu hệ thống chính trị, gây mất lòng tin trong nhân dân, làm suy giảm sức đề kháng xã hội và gây suy thoái biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên hội đồng lý luận T.Ư, những hệ lụy mà tham nhũng mang lại sẽ tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta; làm xấu hình ảnh, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế...

Các vụ án lớn ở Việt Nam trong thời gian vừa qua là minh chứng cụ thể nhất cho điều này. Hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân, tiền ngân sách nhà nước đã bị thụt két, bòn rút theo nhiều cách. Khi bị phát hiện, khả năng tiền thu hồi về rất nhỏ.

Tệ hại hơn nữa, tham nhũng còn tồn tại dưới dạng mách nước, vạch đường, bảo kê để trốn thuế, khai man thuế, phá rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, vườn quốc gia. Tham nhũng bằng quyền lực, nhờ vị trí công việc đang được giao cũng phổ biến không kém. Điều này thể hiện rõ nhất trong khâu tuyển công chức các cấp, trong việc mở trường, mở ngành…

Nhận định về tham nhũng trong chính trị, trong việc chi phối các chính sách, GS.TS Hoàng Chí Bảo - Hội đồng lý luận T.Ư nói, đây là điều đáng lo ngại nhất đối với sự tồn vong của chế độ, của đất nước.

Nhận định nguyên nhân tồn tại “khối u” tham nhũng, TS Đoàn Công Tiến - nguyên hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM nói: “Do chúng ta duy trì quá lâu nền kinh tế công hữu, nền kinh tế tạo ra một khối tài sản không có chủ, kêu gọi và khơi gợi lòng tham trong con người”.

Còn GS.TS Trần Đình Bút - nguyên thành viên tư vấn Chính phủ cho rằng, chính việc tư duy chính trị không theo kịp tư duy quản lý nên đã tạo cơ hội cho việc nảy sinh nạn tham nhũng. Theo ông Bút, luật pháp phải coi chống tham nhũng là chống tội ác xã hội, trừng trị cái ác để bảo vệ cái thiện, vì sự bình yên của cuộc sống, sự an toàn của phẩm giá, sự lành mạnh của xã hội.

GS.TS Trần Đình Bút cũng cho rằng, Quốc hội phải thực sự là cơ quan lập pháp chứ không phải chỉ là cơ quan thông qua luật pháp do các bộ, các ngành chấp bút đệ trình nhằm tránh tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành chi phối luật pháp và các chính sách.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG