Chống tham nhũng: Nói đúng mực, làm kiên quyết!

Chống tham nhũng: Nói đúng mực, làm kiên quyết!
TP - Nội dung được mong đợi nhất trong bản báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 sáng qua (17/10) là những biện pháp chống tham nhũng, lãng phí sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Chống tham nhũng: Nói đúng mực, làm kiên quyết! ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc kỳ họp

Thủ tướng nhấn mạnh đến việc triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), các luật và nghị quyết của Chính phủ về phòng chống tham nhũng, lãng phí.

“Kiện toàn tổ chức và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện chương trình hành động phòng chống tham nhũng, lãng phí của các bộ, địa phương thật sự thiết thực, hiệu quả” - Thủ tướng nói.

Ông cũng khẳng định rõ quan điểm về cuộc chiến này: “Nói đúng mực, làm kiên quyết, đúng pháp luật”.

Thủ tướng cũng cam kết sẽ tập trung chỉ đạo việc rà soát để bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp quy có liên  quan và thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân và công tác cán bộ.

“Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có trọng điểm đối với các lĩnh vực nêu trên, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan thanh tra, khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả và chủ động ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán” - Thủ tướng nói. 

Về công tác cán bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thực hiện nghiêm quy định xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng.

“Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai những cán bộ, công chức tham nhũng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy cải cách hành chính, trong đó đáng lưu ý là việc xúc tiến xây dựng Luật về thủ tục hành chính và Luật công vụ.

Tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm 2005

Qua tình hình và số liệu 9 tháng đầu năm, đã có đủ căn cứ để dự báo tổng sản phẩm trong nước cả năm 2006 ước tăng 8,2% (kế hoạch là 8%), GDP đầu người đạt 11,5 triệu đồng tương đương 720USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã  báo cáo như vậy về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2006. Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định tất cả các chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu năm 2006 đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Trong báo cáo thẩm tra trình bày ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói rằng, tuy mức tăng trưởng trên đã vượt mức bình quân chung của thời kỳ 5 năm 2006-2010 (mục tiêu giai đoạn này là tăng trưởng 7,5-8%) nhưng tốc độ tăng trưởng của các quý trong năm và cả năm 2006 đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2005 (tăng trưởng GDP năm 2005 đạt 8,4%).

Đặc biệt, báo cáo thẩm tra chỉ rõ: Nếu xét về tổng thể tác động của thiên tai, dịch bệnh, giá cả trong và ngoài nước, cũng như điều kiện thương mại của năm 2006 so với năm 2005 là không khác nhau nhiều.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2007 Chính phủ đặt mục tiêu  GDP tăng khoảng 8,2-8,5% (dự kiến, đạt trên 1.130 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 70 tỷ USD, GDP đầu người đạt khoảng 820 USD).

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đưa ra bốn nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh và phát triển toàn diện GD-ĐT, khoa học và công nghệ, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc về văn hóa, xã hội và môi trường. 

Tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Năm 2007: Không bù lỗ giá xăng

Khẩn trương xây dựng các chính sách và thực hiện lộ trình hợp lý của việc điều hành giá cả đối với những hàng hoá thiết yếu theo nguyên tắc của thị trường có sự can thiệp thích hợp của Nhà nước, làm giảm tối đa những sai lệch và bất hợp lý trong hạch toán sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực thích nghi của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, giảm gánh nặng bù lỗ của ngân sách Nhà nước đồng thời phải kiểm soát được thị trường, bảo đảm cung cầu, không để đầu cơ gây đột biến về giá cả. Năm 2007, xi măng, sắt thép, phân bón kinh doanh theo giá thị trường và sẽ không bù lỗ giá xăng, giảm mạnh bù lỗ giá dầu, hạn chế xuất khẩu và không bù lỗ giá than, triển khai thực hiện điều chỉnh phù hợp về giá bán điện, không bao cấp tràn lan.  

(Nguồn: Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.