Chống tiêu cực, ba cô giáo bị xử theo “luật rừng”?

Chống tiêu cực, ba cô giáo bị xử theo “luật rừng”?
Bức xúc với cách điều hành độc đoán, chuyên quyền và nhiều sai trái của bà hiệu trưởng, 3 cô giáo trường THCS An Đà, Ngô Quyền, Hải Phòng đã có ý kiến góp ý. Kết quả là cả 3 đều bị "khủng bố" liên tục.

Tháng 7/2000, bà Nguyễn Thị Kim Dung đang là hiệu trưởng trường THCS Đà Nẵng được UBND quận Ngô Quyền, HP điều về làm hiệu trưởng trường THCS An Đà.

Cuối năm 2001, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, bà Dung quyết định xây dựng nhà vệ sinh dành cho giáo viên. Sau vài tháng thi công, nhà vệ sinh giáo viên vỏn vẹn 15m2 được xây với giá xây...biệt thự là hơn 218 triệu đồng.

Điều đáng nói là mất 218 triệu đồng nhưng vừa đưa vào sử dụng được vài ngày (tháng 6/2002), khu vệ sinh 15m2 này đã bị... hỏng, không thể tiêu thoát nước, mùi xú uế nồng nặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học trong trường.

Ô nhiễm không thể chịu được, bà hiệu trưởng đành phải cho gọi thợ sửa đi sửa lại đến 2 lần mới tạm ổn.

Bên cạnh đó, bà hiệu trưởng còn tự ý để nhiều khoản tiền hàng chục triệu đồng ngoài sổ sách như tiền học nghề, tiền tuyển sinh, y tế học đường, tiền phần trăm bảo hiểm... 

Thậm chí, quà của quận và phường tặng 20/11, hiệu trưởng cũng không đưa cho giáo viên mà tự ý chi tiêu và không nhập vào quỹ nào cả. Hiệu trưởng tự ý lập thanh toán dạy thay và tự cho mình cái quyền chi...

Tiền khen thưởng học sinh được chi trùng trong nhiều loại quỹ. Về tài chính, hiệu trưởng thu chi không đúng, chi sai chế độ, để ngoài sổ sách, thu không biên lai, phiếu chi...

Quỹ hội phụ huynh học sinh thu, chi không đúng với các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT hàng chục triệu đồng.

Nguy hiểm hơn cả, từ khi bà Nguyễn Thị Kim Dung về làm hiệu trưởng trường THCS An Đà thì kết quả chất lượng đào tạo học sinh ngày càng tụt một cách thảm hại.

Từ một trường nội thành đứng thứ 2 trong toàn quận Ngô Quyền nay trường THCS An Đà bị tụt xuống gần thấp nhất thành phố về chất lượng đào tạo do cách điều hành độc đoán, chuyên quyền và sai trái của bà hiệu trưởng.

Chống tiêu cực, ba cô giáo bị xử theo “luật rừng”?

Đã 25 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Vũ Ngọc Trâm không khỏi rơi nước mắt khi phải kể lại chuyện xảy ra với mình: “Tôi và chị Dung, Hiệu trưởng trường THCS An Đà vốn hồi nhỏ ở cùng phố.

Khi chị Dung về nhận chức hiệu trưởng một thời gian ngắn mà đã mắc phải nhiều sai sót, tôi đã nhiều lần gặp riêng chị Dung để góp ý nhưng chị không để tâm.

Nhân hội nghị tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của trường vào tháng 8/2003, tôi có đứng lên phát biểu ý kiến, góp ý về những việc làm sai trái của chị Dung...

Khoảng 11giờ 30, ngày 23/9/2003, sau khi kết thúc tiết dạy văn ở lớp 9, tôi đi xe sang bên đường đối diện cổng trường lấy đồ ăn thì bất ngờ bị hai thanh niên hất mũ, dội cả túi phân trộn dầu nhờn lên đầu tôi... Quá sốc, tôi phải nghỉ dạy 1 tuần”.

Cô giáo Trâm kể tiếp: Tưởng mọi chuyện đã yên, nào ngờ 13 giờ ngày 11/11/2003, khi tôi rời nhà đến trường thì bị hai đối tượng đi xe máy vọt qua rút dao chém vào lưng.

Lần này thì tôi lâm vào tình trạng hoảng loạn, phải vào bệnh viện Việt Tiệp cấp cứu. Sau đó, tôi phải nghỉ dạy dưỡng sức mất gần 45 ngày với kết quả giám định mất vĩnh viễn 5% sức khoẻ...

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hòa đã 48 tuổi với 27 năm đứng trên bục giảng, trong đó 20 năm dạy ở trường THCS An Đà cũng bị “khủng bố” ngay tại nhà.

Theo chị Hoà, nguyên nhân là vì chị đã thẳng thắn phát biểu bà Dung không xứng đáng đạt danh hiệu lao động tiên tiến trong cuộc họp tổng kết năm.

Vẫn còn nguyên bức xúc, cô giáo Bùi Thị Lan, 45 tuổi, mới về trường THCS An Đà dạy được 8 năm nhưng thâm niên giảng dạy đã 22 năm cho biết: do không hài lòng với cách giải quyết tuỳ tiện của bà Nguyễn Thị Kim Dung trong vụ lật xe đưa giáo viên đi tham quan hồi năm 2002 (có dấu hiệu ăn chặn tiền bồi thường), tôi đã đề nghị hiệu trưởng giải thích về vụ lật xe và những sai phạm khác.

Bà Dung đã tỏ ra khó chịu và gây khó khăn với tôi. Từ đầu năm đến nay, tôi liên tục lên UBND quận Ngô Quyền xin được gặp ông Đồng Xuân Côi, Chủ tịch quận để tố cáo những sai phạm nghiêm trọng của hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Dung nhưng vẫn chưa được gặp.

Chị Lan kể tiếp: Ngày 20/6/2005, tôi đến UBND quận Ngô Quyền để tiếp tục đăng ký gặp ông Chủ tịch thì liên tục 2 ngày 21 và 22/6/2005, tôi bị một thanh niên khoảng 30 tuổi đá thẳng vào mặt và xông vào đánh trong khi tôi đang tập thể dục buổi sáng”.

Những giọt nước mắt đau buồn lại rơi... Ba cô giáo dường như muốn quên đi nỗi đau thể xác của riêng mình.

Nhưng nỗi đau lớn nhất của họ có lẽ là hình ảnh kính trọng của một người thầy, hàng ngày dạy dỗ từng thế hệ con người đã bị bôi nhọ, xúc phạm...

MỚI - NÓNG