Chống ùn tắc giao thông ở TPHCM: Cần 300 nghìn tỷ đồng

Chống ùn tắc giao thông ở TPHCM: Cần 300 nghìn tỷ đồng
Để khắc phục sự quá tải của hệ thống hạ tầng hiện hữu và tình trạng ùn tắc giao thông, TPHCM cần 300 nghìn tỷ đồng cho những dự án đã lập và những dự án còn nằm trên giấy...
Chống ùn tắc giao thông ở TPHCM: Cần 300 nghìn tỷ đồng ảnh 1

Một vụ ùn tắc giao thông trên đường Cách mạng Tháng Tám, quận 1           ảnh: Hồng Hạnh

Đó là những vấn đề cốt lõi được lãnh đạo UBND TPHCM đặt ra tại Hội nghị “Một số giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông và quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020” sẽ được tổ chức hôm nay (8/7).

Giải pháp đã có

Hiện nay, lượng xe cơ giới do Phòng Cảnh sát giao thông quản lý đã lên tới gần 2,8 triệu chiếc, trong đó có hơn 2,5 triệu xe mô tô. Dù đã “xiết” nhưng bình quân mỗi tháng, Phòng CSGT cũng phải cấp đăng ký mới cho hơn 20 nghìn xe cơ giới. Lượng xe các tỉnh chiếm rất cao với hơn 100 nghìn xe cơ giới và 2 triệu xe đạp.

Phương tiện cá nhân tăng nhanh, nhưng hạ tầng dành cho giao thông thì không. Theo Sở GTCC TPHCM, diện tích đất dành cho giao thông tại TPHCM rất thấp lại phân bố không đều. Tại các quận nội thành, đất dành cho giao thông chỉ chiếm 5,2 –21,4% diện tích đất đô thị, trong khi ở ngoại thành còn thấp hơn.

Để giải quyết những bất cập này, UBND TPHCM đã và đang xây dựng “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020” với mục tiêu tăng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông bằng cách xây dựng, mở rộng diện tích các bến bãi, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường chính khu vực nội đô, xây mới 3 tuyến đường vành đai nối với các trục đường Đông – Tây, Bắc – Nam, xây dựng nhiều tuyến đường trên cao, cũng như lựa chọn các phương thức giao thông công cộng phù hợp như tàu điện ngầm (metro), monorail, xe buýt 2 tầng ...

Nhưng tiền lấy đâu ra?

Để đạt được tỷ lệ 15 – 25% diện tích đất cho giao thông vào năm 2020, TPHCM phải giải tỏa hơn 1 triệu căn nhà.

Trong quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020, TPHCM đã đặt ra mục tiêu xây dựng 2 tuyến đường sắt nội đô Tân Thới Hiệp (quận 12) – Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Thiêm (quận 2) – Nhơn Trạch (Đồng Nai) và  6 tuyến metro xuyên tâm với tổng chiều dài 107km; 3 tuyến xe điện monorail dài 35km, gồm Sài Gòn – Bến xe Miền Tây; tuyến Nguyễn Văn Linh từ QL50 đến quận 2; xây dựng 4 tuyến đường trên cao, gồm Cộng Hòa – Nguyễn Hữu Cảnh; Tô Hiến Thành – đường vành đai 2; Tô Hiến Thành – Nguyễn Văn Linh và ngã tư Bình Phước – Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ xây hàng loạt cây cầu hiện đại vượt sông Nhà Bè (cầu Bình Khánh, 8 làn xe); sông Lòng Tàu (cầu Phước Khánh, 8 làn xe); xây 5 cây cầu mới vượt sông Đồng Nai, 14 cây cầu vượt sông Sài Gòn và 8 cây cầu vượt các kênh rạch lớn. Tổng kinh phí thực hiện các dự án này lên đến 288.149 tỷ đồng.

Dự án Cầu - đường Nhơn Trạch qua sông Đồng Nai nối TPHCM và Khu đô thị mới Nhơn Trạch đã được triển khai gần hơn 6 năm qua với tổng dự toán hơn 2.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguồn vốn đầu tư.

Để thực hiện được các dự án trên, TP.HCM cần 300 nghìn tỷ đồng và hàng loạt dự án còn nằm trên giấy, rồi đây, TPHCM sẽ huy động từ nguồn nào để giải bài toán hóc búa về giao thông, khi mà lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư vì tiến độ thu hồi vốn chậm? 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.