Hà Nội sau ngày điện tăng giá:

Chốt chỉ số công tơ thế nào?

Chốt chỉ số công tơ thế nào?
TP - Giá điện tăng từ 1/3, việc chốt chỉ số công tơ và cách tính giá điện mới khiến gần 1,3 triệu khách hàng có công tơ của ngành điện trên địa bàn TP Hà Nội lo lắng và băn khoăn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Cty Điện lực Hà Nội trả lời Tiền Phong về những thắc mắc này.

Ông Tuấn cho biết, trong ngày 1/3, Cty đã triển khai việc chốt chỉ số công tơ đối với các loại công tơ ba pha dành cho khách hàng sử dụng sản lượng điện lớn (điện thương mại, kinh doanh...).

Hiện trên địa bàn thành phố có gần 1,3 triệu khách hàng do Cty bán điện trực tiếp, trong đó khoảng 63.000 khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt được chốt chỉ số và tính giá điện mới (công tơ ba pha).

Việc chốt chỉ số công tơ vào cùng một thời điểm đối với mọi khách hàng sử dụng điện sinh hoạt của Hà Nội là bất khả thi. Vậy căn cứ nào để tính giá điện cũ và mới cho chính xác, thưa ông?

Đúng là việc chốt chỉ số toàn bộ số công tơ của khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vào đúng ngày tăng giá điện là khó thực hiện. Vì thế, cách tính nội suy vẫn là phương án tối ưu nhất trong trường hợp giá điện thay đổi.

Đối với những khách hàng sử dụng điện thường xuyên không có đột biến thì cách tính này đảm bảo không thay đổi nhiều vì lượng điện năng tiêu thụ trong tháng được chia bình quân cho số ngày trong tháng để ra sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày. Sau đó nhân với số ngày tính giá cũ, ra lượng điện tiêu thụ.

Để tính lượng điện tiêu thụ theo giá mới, lấy tổng lượng điện tiêu thụ trong tháng trừ đi lượng điện tính giá cũ. Tóm lại, phương pháp này sẽ căn cứ lượng điện tiêu thụ thực tế của khách hàng trong kỳ ghi chỉ số, số ngày sử dụng điện (theo giá cũ và giá mới), mức sử dụng điện của từng bậc thang để tính giá điện.

Nhưng phương pháp nội suy chỉ tương đối vì trong tháng có thời điểm sử dụng ít, sử dụng nhiều. Khi chia bình quân, khách hàng có thể bị thiệt, thưa ông?

Đúng là trên thực tế vẫn có khách hàng không thỏa mãn với cách cộng dồn chia bình quân nêu trên. Nhưng, ngược lại, cũng có trường hợp bản thân ngành điện bị thiệt.

Chẳng hạn, trường hợp khách hàng sử dụng điện không theo quy luật, nửa tháng đầu (tính giá cũ) sử dụng ít, nhưng nửa tháng sau (giá mới) lại sử dụng nhiều điện hơn. Khi chia bình quân cho số ngày sử dụng, đương nhiên họ chỉ phải trả giá thấp hơn so với giá điện năng tính vào thời gian họ sử dụng theo giá mới.

Nhiều người cho rằng, việc ghi chỉ số công tơ chỉ do nhân viên ngành điện thực hiện. Điều này dễ nảy sinh tiêu cực khi ghi chỉ số cũng như việc tính tiền điện theo cách mới?

Việc lập hóa đơn tiền điện hiện sử dụng phần mềm tính toán, in ra hóa đơn áp dụng thống nhất trong toàn quốc nên khó xảy ra sai sót. Hơn nữa, bên cạnh việc quản lý chặt công tác ghi chỉ số, chúng tôi cũng tiến hành phúc tra xác suất ghi chỉ số công tơ để kịp thời chấn chỉnh khắc phục sai sót.

Chưa cài lại công tơ ba giá, vẫn tính như cũ

Theo lý giải của Cty Điện lực Hà Nội, cách tính giá đối với khách hàng sử dụng điện ba pha sẽ bao gồm giờ bình thường, giờ cao điểm, giờ thấp điểm.

Theo đó, giờ bình thường (từ thứ Hai đến thứ Bảy) chia ba thời điểm: 4h00-9h30; 11h30-17h00 và 20h00-22h. Riêng Chủ nhật, giờ bình thường được tính từ 4h00-22h. Giờ cao điểm (từ thứ Hai đến thứ Bảy) được tính từ 9h30-11h30 và 17h00-20h. Riêng đối với giờ thấp điểm được tính từ 22h đến 4h sáng hôm sau của tất cả các ngày trong tuần.

Đại diện Điện lực Hà Nội cũng cho biết, trong ba tháng (tính từ ngày 1/3), Cty phải cung cấp, lắp và cài đặt lại xong công tơ ba giá cho mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh (trong thời gian, chưa cài lại công tơ ba giá, cách tính giá vẫn theo quy định cũ).

* Ngoài ra, để đảm bảo tính chính xác của kết quả ghi chỉ số công tơ, đơn vị cũng có chủ trương thường xuyên hoán đổi nhân viên ghi chỉ số giữa các địa bàn. Chúng tôi cũng rất mong khách hàng giám sát, phản hồi tới Cty những trường hợp ghi sai để xử lý nghiêm. (Số ĐT tổng đài 2222.000).

Nguyễn Tú
Thực hiện

MỚI - NÓNG