Chủ động kiểm toán những ngành dễ phát sinh tham nhũng

Chủ tịch nước làm việc với KTNN. Ảnh Như Ý
Chủ tịch nước làm việc với KTNN. Ảnh Như Ý
TPO - Sáng 13/4, tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: KTNN cần chủ động kiểm toán những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, tham mưu cho các cơ quan thẩm quyền chống tham nhũng. 

Ghi nhận và biểu dương những thành tích mà KTNN đạt được thời gian qua, Chủ tịch nước khẳng định, năm 2016 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực trong nước có nhiều thách thức đan xen, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp của KTNN. Chính đóng góp của KTNN đã góp phần hoàn thành tốt kế hoạch, chương trình nhiệm vụ thời gian qua.

KTNN tuy là ngành non trẻ so với các ngành khác, nhưng có sự trưởng thành rõ nét, thể hiện ở vấn đề chất lượng, hiệu quả kiểm toán không ngừng vươn lên, phát triển vượt bậc. Từ 2012 đến nay, KTNN góp phần tăng thu, giảm chi hơn 118 nghìn tỷ đồng là con số không nhỏ, riêng năm 2016 đã xử lý tài chính 38 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần 2015.

“Đây là những con số biết nói, thể hiện đóng góp của KTNN. Hoạt động của KTNN thời gian qua đã tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Chủ tịch nước đánh giá, đồng thời khẳng định, hoạt động kiểm toán đã chú trọng hơn vào hoàn thiện thể chế, góp phần tích cực vào đấu tranh chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước nhấn mạnh năm 2017 là năm bản lề quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn thách thức cần đối phó không thể xem nhẹ, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn của các bộ, ngành, trong đó có KTNN.

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ KTNN nêu, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, Luật KTNN 2015 đã có hiệu lực và đang thực hiện, cần đẩy nhanh hơn tổ chức thực hiện luật này để luật đi vào cuộc sống, trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật đầy đủ.

Tích cực ứng dụng CNTT để hoạt động kiểm toán đạt kết quả cao hơn. Hoạt động của KTNN cũng phải luôn bám sát, phục vụ quá trình điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, nâng tầm các kết luận, kiến nghị thực sự có chất lượng, tương xứng với địa vị pháp lý của KTNN. 

Nhấn mạnh lại chức năng của KTNN là công cụ quan trọng phát hiện tham ô, tham nhũng, Chủ tịch nước đề nghị KTNN chủ động kiến nghị cơ quan thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm. Vụ việc nào có dấu hiệu phạm tội chuyển cơ quan chức năng điều tra xử lý theo quy định pháp luật, đề nghị các cơ quan tư pháp tiếp nhận xử lý theo quy định PL.

Đồng thời, KTNN cần chủ động, đi sâu kiểm toán những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, tham mưu cho các cơ quan thẩm quyền chống tham nhũng. 

Thực tế vừa qua việc sử dụng vốn vay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, cũng không loại trừ có cả tiêu cực, không chỉ trong nước mà cả ở những người làm việc tại các tổ chức cho vay. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là làm sao để vẫn được vay, nhưng sử dụng hiệu quả, quản lý được, không để thất thoát, lãng phí. Bởi đã vay thì phải có trả, nếu vay rồi dùng không hiệu quả thì đời con cháu sẽ phải trả.

Do vậy, Chủ tịch nước đề nghị KTNN phải tích cực tham gia cùng các cơ quan chức năng, phối hợp đề xuất cơ chế quản lý, thẩm định các dự án vay vốn nước ngoài. Quan trọng hơn phải tham gia ngay vào quá trình chủ động đề xuất các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng điểm.

Theo KTNN, qua 276 cuộc kiểm toán trong năm 2016 đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 38 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN và tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

Cùng với đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; đồng thời, KTNN đã kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng trăm tập thể, cá nhân về những tồn tại, sai phạm phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Đáng chú ý, trong định giá doanh nghiệp và xử lý tài chính trước khi cổ phần hóa trong 2016, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tại 7 doanh nghiệp đã làm tăng thêm giá trị vốn nhà nước hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Qua kiểm toán 27 dự án BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, đã giảm khó khăn cho việc đi lại của người dân và chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày (công trình mở rộng QL1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa). Đặc biệt, KTNN đã kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng chấm dứt việc thu phí đối với dự án tuyến tránh quốc hội 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT 618 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, giảm thời gian thu phí hơn 3 năm.

Ngoài ra, kiểm toán đã phát hiện sơ hở trong quản lý thu ngân sách, chống thất thu thuế từ các doanh nghiệp. Qua kiểm tra, đối chiếu 1.653 người nộp thuế, kiểm toán đã kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ đồng, cá biệt như Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm 882 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG