Chủ nhiệm ủy ban tư pháp chỉ nỗi sợ đi tàu hỏa

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Chỉ ra rất nhiều bất cập, hạn chế của hệ thống đường sắt, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, điều kinh hoàng nhất là nhà vệ sinh đường sắt, nhiều người thấy không muốn đi.  

Sáng 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật đường sắt sửa đổi. Đề cập đến mục tiêu tăng thị phần cho ngành đường đường sắt, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận, chục năm trở lại đây đường bộ phát triển nhanh hơn, còn đường sắt không thu hút bằng.

Bò trên đường sắt có cấm không?

Bà Nga dẫn dụ, đi từ Hà Nội về Nghệ An, Hà Tĩnh, đường bộ phát triển nhanh với các tuyến xe hấp dẫn, chỉ lên xe giường nằm, ngủ một giấc là về đến nhà. Còn đi đường sắt thì không hấp dẫn, vì rất ồn, với người trẻ tuổi còn đỡ, nhưng hành khách trung tuổi thì vật vã trên tàu, rất mệt.

Theo bà Nga, điều kinh hoàng nhất là nhà vệ sinh đường sắt, nhiều người thấy không muốn đi. Ngoài ra bậc cho hành khách lên xuống rất cao, gây bất tiện đối với người có tuổi...

Để tạo ra đột phá như dự thảo đề ra, theo đại biểu, phải có sự phát triển nhanh và có sự khác thường, nhưng cái này lại liên quan đến vấn đề đầu tư. Song tỷ trọng đầu tư cho đường sắt là không ổn, không chỉ nói chung chung là phải đột phá thế này, phải đột phá thế kia mà cần có chính sách cụ thể tương xứng.

Theo đại biểu Nga, dự thảo luật giao quá nhiều điều (chiếm 1/3) cho Chính phủ quy định chi tiết. Cần phải rà soát lại, có những điều có thể quy định cụ thể hơn được, như về trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp về mở đường dân sinh ra sao. 

Ngược lại cái gì nói cụ thể quá cũng khó thực hiện, ví dụ hàng năm Chính phủ phải báo cáo một lần với Quốc hội thì có nhất thiết không? Hay quy định cấm đi đứng trên đường sắt, vậy bò trên đường sắt thì có cấm không?...

Luật ra đời phải nghiêm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tinh thần, luật khi ra đời phải giải quyết cho được bất cập, hạn chế của ngành đường sắt, tạo ra bước đột phá mới cho ngành đường sắt. Đặc biệt luật ra đời phải nghiêm, vì trước nay có nghiêm cấm nhưng mà lại không xử được ai.

“Luật đường sắt nói cấm nhưng nếu không gắn trách nhiệm và chế tài xử phạt nghiêm thì không thực hiện tốt được. Phải nói trách nhiệm của địa phương, phải làm mạnh, nơi nào để mở đường dân sinh xảy ra tai nạn, tùy theo mức độ nghiêm trọng, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải mất chức chứ không đơn giản. Mở đường dân sinh mà không có biện pháp, phải quy định rõ ai chịu trách nhiệm thì mới thực hiện nghiêm”, bà Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, bà cũng đi đường sắt và thấy rất dễ chịu, thoải mái nếu đầu tư nâng cấp. Bà dẫn dụ, đi từ Bắc Kinh tới Thiên Tân, nếu đi đường bộ không biết mất bao nhiêu thời gian, nhưng khi đi đường sắt, chỉ nửa tiếng tàu đã tới Thiên Tân. 

Tất nhiên đó là tàu cao tốc tốc độ 250 km/h trở lên, còn ta chỉ có đường sắt tốc độ cao chứ chưa có cao tốc. Thế nhưng đường tốc độ cao mà mở đường dân sinh trái phép như thế thì cũng như không.

Tai nạn xảy ra, nhưng chỉ phê phán đường ngang đó không có người chắn, không có bảo vệ. Toàn phê phán đi qua đường sắt trái phép, nhưng lái tàu áp lực lớn, có khi thương tật suốt đời. Tôi nhớ có anh lái tàu mất tay, chấp nhận hi sinh để không bị lật tàu, đảm bảo an toàn cho hành khách. Luật này ra đời cần phải khắc phục cho được, đừng để tai nạn đường sắt thương tâm xảy ra như thế.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga sẽ có văn bản riêng báo cáo. Ông Nghĩa cũng thừa nhận thực trạng đường sắt hết sức lỗi thời, tuổi hàng trăm năm. Người Pháp đầu tư, chúng ta không những không làm thêm lại cứ “cấu” đi rất nhiều. 

Cũng theo ông Nghĩa, sẽ phải duy trì đường sắt cũ, đồng thời duy trì đường sắt tốc độ cao 160 – 200 km/h, có thể vận chuyển hàng hóa và hành khách. Về tính an toàn, theo ông Nghĩa, cũng như với đường bộ cao tốc, hệ thống an toàn phải tuyệt đối, biệt lập hoàn toàn với đường dân sinh, đảm bảo quyền đi lại của người dân một cách bình thường nhất. Đường sắt cao tốc cũng đang làm như vậy.

MỚI - NÓNG