Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam:

Chủ quyền quốc gia biển đảo, những khoảnh khắc của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar). Ảnh: Đức Tám
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar). Ảnh: Đức Tám
TP - Thời điểm này nội dung phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao SUMIT- 24 ở Nay Pyl Taw với những thông điệp hòa bình an dân đã được truyền khắp. Dư luận thế giới biết được những cái đầu tiên...

Lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.


Lần đầu tiên sau hàng chục năm, Hội nghị ASEAN đã đưa ra một tuyên bố chung đồng thuận ở cấp cao nhất về vấn đề biển Đông.

Cũng hiếm khi vấn đề gây hấn và an ninh ở biển Đông được thể hiện trong 3 Tuyên bố, hai chung một riêng. Các ngoại trưởng ASEAN, Chủ tịch ASEAN và Tuyên bố chung ASEAN.

Gọi là thông điệp an dân vì cho đến thời điểm này, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng thay mặt lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đầu tiên lên tiếng về việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam.

Mối hiểm họa đe dọa hòa bình ở biển Đông ở châu Á, nếu ở ShangriLa, Thủ tướng Việt Nam, có thể đã tế nhị, không muốn chỉ đích danh đầu mối của các tai họa đe dọa ổn định an ninh mà Thủ tướng chỉ dùng khái niệm Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.

Nhưng bây giờ ở diễn đàn Nay Pyl Taw ngày 11/5/2014, cấp độ chủ quyền quốc gia cùng an ninh biển Đông đã xấu, đã khác! Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rành rẽ chi tiết cùng những bằng chứng hùng hồn.

Và các quốc gia ASEAN từng đồng thuận đánh giá cao với lòng tin chiến lược mà Thủ tướng Việt Nam đề xướng đã cảm thấy những hành động leo thang trên biển Đông của Trung Quốc như một sự phản bội. Bởi họ lấy sự xảo trá chiến lược để đáp lại lòng tin chiến lược? 

Những cuộc gặp chung, riêng với mục đích lợi ích quốc gia là tối thượng để rồi đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của khối ASEAN, cùng dư luận quốc tế… Đó là những gắng gỏi lớn lao. Và ít ai biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức ngoại giao nước Việt đã từng qua những giờ phút khó khăn?

Chắc hẳn mọi người nhớ đoạn phát biểu của Thủ tướng trước sự có mặt của tất cả các lãnh đạo ASEAN “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên…”.

Sử dụng mọi kênh đối thoại? Sau thời điểm Thủ tướng và Đoàn đại biểu Việt Nam kết thúc Hội nghị trở về, người viết bài này may mắn được Thủ tướng chia sẻ một ít thông tin. Trong đó có chuyện, đáp lại thiện chí và mọi cố gắng đối thoại của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là thông tin lạnh lùng từ người đồng cấp Trung Quốc gặp gỡ cấp cao vào thời điểm này là chưa thích hợp!

Từ ngày 1/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.

Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.

Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao ASEAN-24

… Lại nhớ thêm chuyện ASEAN. Không khí bắt đầu cuộc họp báo chiều 30/10/2010 kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Cấp cao liên quan mà Việt Nam là nước chủ nhà tại Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Các hãng thông tấn nước ngoài tới Hội nghị đưa tin khá đông và trao đổi rằng nội dung họp báo này chắc khó có tin hot?!

Vẻ uể oải bàng quan ấy còn quanh quất với đám ký giả khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chủ trì cuộc họp báo.

Bất đồ từ cửa lan vào phòng là một không khí lộn xộn, nhốn nháo. Các nhà báo không ai bảo ai, chen nhau, giành nhau những vị trí đứng khả dĩ nhất để ghi âm thu hình. Ấy là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời một câu hỏi liên quan đến quan tâm của dư luận gần đây về việc sử dụng cảng Cam Ranh.

“Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ như nhiều nước khác trên thế giới cũng đã làm. Tại trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp Cam Ranh sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các nước nếu có yêu cầu, kể cả tàu ngầm đến đây để xin cung cấp dịch vụ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã làm và đương nhiên cung cấp theo cơ chế thị trường”.

Thủ tướng Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng cơ sở dịch vụ này không phải là căn cứ quân sự của nước ngoài và không phải cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật. Rõ ràng bằng cách lý giải đó, Cam Ranh như một thông điệp nhiều nghĩa trong việc phòng thủ giữ gìn chủ quyền an ninh quốc gia. 

Nhìn ra bên ngoài, thấy mấy hãng thông tấn đang dựng thiết bị để phát truyền trực tiếp hình lẫn tin được coi là hot ngay tại bên lề SUMIT-17 Mỹ Đình này.

Rồi nhớ thêm giờ giải lao phiên họp Quốc hội (thứ Sáu ngày 25/11/2011). Đứng trò chuyện với các nhà báo bên hành lang, tôi nhớ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có trao đổi nhiều việc, nhưng không có vấn đề an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia. Mãi khi các nhà báo đã tản đi, trước khi trở lại hội trường Thủ tướng với chất giọng bình thản ngỏ cùng mấy nhà báo đương nán lại chút nữa mình sẽ đề cập đến câu hỏi của ĐB An Giang Lê Bộ Lĩnh…

Nhớ câu hỏi hồi nãy của ĐB Lê Bộ Lĩnh tôi xin một phút để hỏi Thủ tướng về một vấn đề chưa được đề cập đến trong Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, đó là liên quan đến vấn đề đối ngoại, đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia.

Một phút của ĐBQH An Giang dường như cái cớ để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vang lên nhiều phút trên diễn đàn QH.

Thưa các vị đại biểu, Việt Nam khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự, ít nhất là từ thế kỷ 17, chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa có bất kỳ một quốc gia nào. Và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình, nhưng đối với Hoàng Sa, năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo.

Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, chính quyền VNCH đã lên án việc làm này và đề nghị LHQ can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố khẳng định hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán, giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp Hiến chương LHQ, Công ước luật biển, Tuyên bố DOC.

Quần đảo Trường Sa, năm 1975, giải phóng, thống nhất Tổ quốc, hải quân chúng ta đã tiếp quản. Trên cơ sở đó chúng ta đã xây dựng thêm 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này, thuộc 200 hải lí vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó, ở quần đảo Trường Sa này, Trung Quốc đã chiếm 7 đảo đá ngầm.

Chủ trương của chúng ta đối với thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa như thế nào? Tôi muốn nói rõ chủ trương nghiêm túc thực hiện Công ước Luật Biển, Tuyên bố DOC và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cụ thể, thứ nhất, trước hết ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.
Ngay chiều hôm đó, các Hãng thông tấn nước ngoài đã chạy những dòng tít đại loại, lần đầu tiên một nguyên thủ Việt Nam tại một Diễn đàn lớn như QH đã đề cập cụ thể, chỉ đích danh những vấn đề nhạy cảm về chủ quyền quốc gia và an ninh biển đảo.

Còn nhớ, trước giờ nghỉ giải lao hôm chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã dõng dạc Xin mời Thủ tướng trả lời và xin phép QH kéo dài thêm phiên chất vấn buổi sáng. Cũng na ná như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vị Thủ tướng Việt Nam đầu tiên lãnh sứ mệnh đến Thượng đỉnh ASEAN- 24 nghiêm khắc phản đối và lên án hành động vi phạm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD- 981 thể hiện sự đoàn kết nhất trí tuyệt đối giữa Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Dũng khí cùng quyết tâm và cả sự chân thành trong thông điệp của Thủ tướng như truyền thêm sinh khí cho muôn triệu con dân nước Việt trong ngoài nước kết thành một khối trước nguy biến sơn hà?

Ngày nóng năm Ngọ

MỚI - NÓNG