Chủ tịch Hà Nội: “Cải cách thủ tục hành chính, nhiệm vụ sống còn”

Cải cách hành chính sẽ là nhiệm vụ sống còn của Hà Nội trong việc lọt top 10 năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: Như Ý.
Cải cách hành chính sẽ là nhiệm vụ sống còn của Hà Nội trong việc lọt top 10 năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: Như Ý.
TP - Trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra ngày 4/6, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần cam kết thực hiện các biện pháp cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội.

2020, Hà Nội sẽ vào top 10 năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thưa ông, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Hà Nội hiện đứng vị trí thấp. Thành phố sẽ có biện pháp gì để không đánh mất đi cơ hội thu hút đầu tư?

Một trong những vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất là cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, và thành phố cũng coi đây như là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016, thành phố đã cam kết với các DN trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về chất lượng phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. 

Trong đó, có việc xây dựng quy chế, quy trình về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép cho nhà đầu tư. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội trở thành 1 trong 10 tỉnh có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND thành phố có những hành động cụ thể nào?

“Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố sẽ quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Thực tế, 5 tháng vừa qua, Hà Nội đã có những đổi mới tích cực trong việc cấp giấy phép đầu tư. Hiện tại, đăng ký thành lập DN mới qua mạng chỉ trong 2 ngày làm việc, giảm 1 ngày so với quy định. Quy trình giao dịch liên thông trên mạng cũng đã cắt giảm 40% thủ tục hành chính về đầu tư. Thành phố đã có những kết quả tích cực như: Tổng số vốn đầu tư vào Hà Nội trong 5 tháng qua tăng 5 lần so với cùng kỳ. Số vốn FDI vào Hà Nội tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015. Các dự án đầu tư PPP (hợp tác công - tư) tăng gấp 4 lần so với cả chặng đường 5 năm (2010 – 2015). 

Những kết quả trên chứng tỏ, từ chính quyền thành phố đến các quận, huyện đều đã có những cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến với Thủ đô. Tiếp đó, chúng tôi cũng đang cải cách nhằm tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận với các thông số về đất đai. Cùng với đó, thành phố sẽ là cầu nối để các DN tiếp cận với nguồn vốn của các ngân hàng. Từ đó, các cá nhân, cá thể có thể đăng ký mở DN hoạt động trên địa bàn.

Chủ tịch Hà Nội: “Cải cách thủ tục hành chính, nhiệm vụ sống còn” ảnh 1 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Tập trung phát triển công nghệ cao, năng lượng sạch

Vậy hướng thu hút FDI của Hà Nội trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Như tôi đã nói, trong 5 tháng qua, Hà Nội đã đẩy nhanh cải cách các thủ tục hành chính để cấp phép cho các nhà đầu tư đầu tư vào thành phố. Tổng số vốn đầu tư vào Hà Nội khá ấn tượng, 5 tháng qua, con số gấp 5 lần so với cùng kỳ, riêng vốn FDI vào Hà Nội gấp 1,5 lần so với năm 2015. Đây là con số bước đầu rất khả quan để tiếp tục thu hút thêm nguồn vốn FDI và các nguồn vốn khác. 

Cùng với đó, thành phố đang tăng cường xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính,tạo điều kiện cho DN nước ngoài tiếp cận thông tin, tìm cơ hội đầu tư. Từ đầu năm, thành phố đã tổ chức nhiều buổi xúc tiến đầu tư với DN Nhật Bản, Mỹ… Thời gian tới, thành phố vẫn tiếp tục duy trì tổ chức những buổi gặp gỡ, đối thoại với DN để trao đổi tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Từ đó giải đáp, kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư đến với Hà Nội.

Ngoài thu hút vốn FDI, Hà Nội còn định hướng nguồn huy động các vốn nào nữa?

Để thu hút nguồn vốn đầu tư, thành phố đã định hướng đầu tư bằng các biện pháp: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại; Đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ để thúc đẩy kinh doanh; Đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công. Hà Nội không chỉ chú trọng đến nguồn vốn FDI mà thành phố đang kêu gọi đầu tư theo hướng: Tạo mọi điều kiện cho các DN đã và đang sản xuất trên địa bàn thành phố mở rộng sản xuất, kinh doanh.  

Cụ thể trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển vào những ngành nghề nào, thưa ông?

Thành phố có những đổi mới trong chính sách thu hút đầu tư theo hướng: Tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ… Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ có lựa chọn các dự án để đạt mục tiêu phát triển bền vững. 

Từ đầu năm đến 31/5/2016, Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 3 lần so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước (68 dự án) với số vốn tăng 2,44 lần (70.421 tỷ đồng). Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%. GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD. Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2,5- 2,6 triệu tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.