Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tăng cường quản lý thu, chi, xử lý vi phạm đạo đức nhà giáo

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 16 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 của ngành GD&ĐT Hà Nội.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2020-2021. Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 666 của Bộ GD&ĐT, trong đó tập trung vào 9 nội dung.

Cụ thể, đổi mới công tác quản lý; đổi mới chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; rà soát sắp xếp mạng lưới trường, lớp, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đổi mới cơ chế tài chính và tăng nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ trung học cơ sở, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong năm học 2020-2021 của các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố là thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ, đưa nội dung dạy tin học vào chương trình giáo dục phổ thông.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố có nhiệm vụ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; đẩy mạnh học trực tuyến, phát triển kho học liệu số của ngành; đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; tập trung mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ tịch UBND thành phố giao các sở, ban, ngành phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 theo đúng yêu cầu đề ra; quan tâm đúng mức công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học và trang thiết bị dạy học; giải quyết các vấn đề về biên chế, chế độ chính sách; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học.

UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm cụ thể hóa các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành các chương trình hành động; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm sai phạm trong các cơ sở giáo dục, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, tư vấn du học trên địa bàn, đặc biệt là các sai phạm về thu, chi, dạy thêm, học thêm và vi phạm đạo đức nhà giáo.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.