Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2010:

Chủ tịch nước đi cày

Chủ tịch nước đi cày
TP - Cánh đồng Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) ngay từ sáng sớm mùng bảy Tết Canh Dần, dòng người từ khắp nơi đổ về dự hội Tịch điền , cùng nhau cầu mong cho mùa màng tươi tốt. Đặc biệt, Lễ hội vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về tham dự.

>> Hôm nay, Chủ tịch nước xuống ruộng cùng dân

Chủ tịch nước đi cày ảnh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khai mở những đường cày đầu tiên - Ảnh: Hồng Vĩnh

Bắt đầu là đoàn rước hùng hậu đi đón tổ nghề trống Đọi Tam tại đình Đọi Tam, rước Thánh cả và về thôn Đọi Nhì dừng lại đón kiệu vua. Các nhà sư cầu kinh đưa linh vị vua lên kiệu Long Đình ra sân lễ Tịch điền. Tiếp đến là phần hội, qua tiếng trống Đọi Tam nức tiếng cả nước, cùng với những điệu múa lân sư rồng hoành tráng.

Chủ tịch nước đi cày ảnh 2
Dàn trống nổi tiếng của Đọi Tam

Theo lời cụ Đinh Trọng Tế (82 tuổi), thôn Đọi Nhất, người vinh dự được chọn đóng vua đi cày, 9 con trâu đẹp nhất được chọn trong số 30 con do các họa sĩ trang trí dùng cho lễ cày tịch điền.

Đặc biệt, riêng con trâu mà Chủ tịch nước dùng trong lễ Tịch điền không trang trí mà chỉ phủ vải đỏ lên lưng trâu theo truyền thống. “Ban tổ chức chọn con trâu hiền lành, béo tốt. Nó là con trâu 12 năm tuổi, mỗi ngày cày được 5 sào ruộng của ông Lưu Xuân Duân ở Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên” - Cụ Tế nói.

Sau khi dâng hương trước bàn thờ Thần Nông, là lễ cày Tịch điền, dùng trâu cày ruộng để khai mở những đường cày đầu tiên.

Từ trên hàng ghế đại biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bước xuống ruộng cày trong bộ quần áo màu nâu mộc mạc. Một người dắt trâu, hai người đỡ chuôi cày, Chủ tịch nước khai mở những đường cày sâu đầu tiên.

Chủ tịch nước đi cày ảnh 3

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết  thực hiện sá cày trên cánh đồng Đọi Sơn - Ảnh: Hữu Nghị

Theo sau là những cô gái đi theo rắc hạt giống, trong tiếng vỗ tay chào mừng của đông đảo nhân dân.

Tiếp đến là những đường cày của các vị bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, lãnh đạo tỉnh trong trang phục quần áo nâu, chân trần hoà nhịp cùng nông dân. Bộ trưởng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát đôi chân trần trắng nõn. Nhưng những đường cày của ông được nhiều người khen.

Chủ tịch nước đi cày ảnh 4
Các thiếu nữ gieo hạt giống trong lễ hội

Cày xong, ông vui vẻ: “Tôi cảm thấy tự hào vì được chia sẻ với nông dân cả nước. Cầu mong cho những mùa vụ bội thu, mưa thuận gió hòa”. Thế Bộ trưởng đã bao giờ đi cày chưa?  “Có chứ. Tôi cũng đã từng đi cày”- Ông cười.

Nâng tầm lễ hội

Chủ tịch nước đi cày ảnh 5  Nhân dân ta gắn liền với nông thôn và nông nghiệp, bởi vì nông nghiệp nuôi sống chúng ta hằng ngày.

Việc hôm nay, tỉnh Hà Nam tổ chức lễ Tịch điền nhắc nhở mọi người chúng ta luôn luôn nhớ ơn những người đi trước, nhớ những vị vua anh minh đã chăm lo cho nhân dân, giúp đỡ nhân dân, chăm lo sản xuất.

Vì thế, chúng ta một mặt phải giữ vững, phát triển mặt trận nông nghiệp, nông thôn, đồng thời phải thúc đẩy nền công nghiệp và dịch vụ phát triển...Chủ tịch nước đi cày ảnh 6 - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Theo ban tổ chức, lễ Tịch điền Đọi Sơn năm 2010 thu hút hàng vạn người tham dự. Chỉ riêng buổi tối lễ cầu an hôm mùng 6 Tết đã có khoảng 10 vạn người.

Đây cũng là năm đầu tiên lễ Tịch điền được tổ chức chính thức. Năm ngoái, lễ hội Tịch điền được phục dựng mang tính thử nghiệm, tại chính vùng đất bắt đầu nghi lễ này từ thời Lê Hoàn (trị vì từ năm 980 - 1005), tương truyền vào năm 987.

Theo ông Trần Xuân Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, việc tổ chức lễ hội Tịch điền Đọi Sơn rất phù hợp với nghị quyết của T.Ư về tam nông. “Đọi Sơn cũng là xã được T.Ư chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Lễ hội này sẽ được nâng tầm cao hơn” - Ông Lộc nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, ngày xưa nông nghiệp đã quan trọng, ngày nay nông nghiệp càng quan trọng hơn. Cho dù hiện nay chúng ta đang đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhưng nông nghiệp mãi mãi vẫn chiếm vị trí quan trọng.

Theo Tiến sỹ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật), tổng đạo diễn lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, năm nay, lễ hội Tịch điền về cơ bản giữ nguyên các nghi thức như năm ngoái thử nghiệm. Riêng đại lễ cầu an được tổ chức ở chùa Đọi vào tối 6 Tết thay vì tối 7 Tết.

“Chúng tôi cũng xây dựng để nâng tầm lễ hội, trở thành điểm đến của nhiều du khách, của nhiều tour du lịch kết hợp. Từ lễ hội Chùa Hương họ về thẳng Đọi Sơn, rồi đi chợ Viềng, đi đền Trần” - Ông Thắng nói.

MỚI - NÓNG