Chủ tịch nước sẽ đối thoại trực tuyến với dân

Chủ tịch nước sẽ đối thoại trực tuyến với dân
Về chủ trương cho phép Báo điện tử của Đảng mở kênh đối thoại giữa lãnh đạo Đảng với dân, Phó Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Tổng biên tập Báo Đào Duy Quát nói đối tượng mời đối thoại với dân sẽ là Chủ tịch nước hoặc Phó Thủ tướng...
Chủ tịch nước sẽ đối thoại trực tuyến với dân ảnh 1
Ông Đào Duy Quát. Ảnh VNN

Ông cho biết thêm trong một số trường hợp Báo sẽ gửi công văn để Ban Bí thư nhắc nhở các đồng chí đó, như vậy sẽ nhanh hơn.

"Đã đến lúc chúng ta không thể thông tin một chiều, phải đổi mới nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng, nhằm mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa", ông Quát nhấn mạnh.

Chủ đề đầu tiên: Chống tham nhũng, cải cách hành chính

Ông sẽ chọn vấn đề gì đầu tiên để đối thoại?

Sẽ là những vấn đề đang gây bức xúc nhất hiện nay như cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hay vấn đề cải cách hành chính.

Chúng ta biết có một vấn đề ở tầng trầm, đó là nạn nhũng nhiễu. Một số cán bộ có chức quyền ở các cơ quan công quyền liên quan đến đăng ký hộ khẩu, đăng ký giấy tờ nhà, đăng ký kinh doanh... khi ta tiếp xúc thì thấy tệ nhũng nhiễu. Hoặc là ngay cả khi đi chữa bệnh cũng vậy.

Thứ hai là trước những chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ đưa ra, rồi những vấn đề có tính chất nóng thời gian vừa qua: giá xăng, hoặc có khả năng cả những vấn đề quốc tế nữa, dân cũng cần biết kỹ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta. Nghĩa là sẽ có đối thoại với những chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng... mà người dân quan tâm. Có vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, cũng có vấn đề tác động đến lợi ích quốc gia.

Vậy khách mời đến đối thoại với dân về vấn đề cải cách hành chính sẽ là ai?

Có thể sẽ là đồng chí Chủ tịch nước, đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách cải cách hành chính, hoặc một đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ.

Theo ông, có dễ dàng khi mời các vị lãnh đạo cấp cao không?

Tôi nghĩ hoàn toàn có thể mời các đồng chí đến. Điều quan trọng là phải thông báo sớm để các đồng chí ấy bố trí thời gian. Tuy nhiên, cũng còn tuỳ thuộc họ có thời gian hay không. Mới đây, thường trực Ban bí thư cũng đã khẳng định đây là một chủ trương mà Ban bí thư sẽ yêu cầu. Như vậy, chúng tôi nghĩ khi chúng tôi báo cáo lên, Ban bí thư sẽ yêu cầu và các đồng chí có trách nhiệm sẽ đáp ứng.

Nghĩa là trong mọi cuộc đối thoại, các ông đều báo cáo Ban Bí thư?

Không hẳn như vậy. Nếu chúng tôi mời mà các vị khách đến ngay thì tốt, còn không thì chúng tôi báo cáo Ban bí thư, để Ban bí thư đề nghị Văn phòng Trung ương nhắc các đồng chí, như thế có thể sẽ nhanh hơn.

Khi nào thì các ông tiến hành cuộc đối thoại đầu tiên?

Chúng tôi cố gắng để đến cuối phiên họp Quốc hội. Trước mắt, sẽ tiến hành 1-2 lần/tháng, sau đó sẽ là một lần/tuần.

Cán bộ cần nắm được mọi vi phạm dân chủ ở cơ sở

Ông có nghĩ là chúng ta sẽ không dừng ở đối thoại? Người dân không chỉ trông chờ câu trả lời của các nhà lãnh đạo, mà còn muốn họ hành động nữa, đặc biệt trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Vấn đề lớn hiện nay là tổ chức thực hiện ít nhất 10 hệ thống giải pháp để chống tham nhũng và lãng phí của Nghị quyết Trung ương 3. Giải pháp hàng đầu mà chúng ta phải làm là tăng cường giáo dục đạo đức cho cán bộ công chức, hướng dẫn họ rèn luyện đạo đức, giám sát đạo đức lối sống của họ...

Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải lấy xây là chính. Phải thiết lập một hệ thống giám sát từ tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền, nhân dân và báo chí đều cùng tham gia giám sát anh. Hàng nghìn vụ tham nhũng bị phát hiện vừa qua cho thấy chúng ta còn hở ở khâu hệ thống, cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật trong quản lý tài sản, quản lý tài chính. Do vậy, điều quan trọng nhất bây giờ là tổng kết cho được hệ thống xem còn bao nhiêu chỗ hở để bịt lại bằng việc bổ sung hệ thống luật pháp.

Ví như vấn đề lãng phí ô tô mà gần đây báo chí đề cập thì thấy rõ, chúng ta đã để quá lâu mà không tổ chức cái này nên rất dễ gây lãng phí. Do vậy, một trong những giải pháp rất cơ bản, rất quan trọng mà Trung ương 3 đưa ra là khi đã phát hiện được những lỗ hổng, chúng ta sẽ lấp chúng bằng những luật mới, đảm bảo rằng cán bộ công chức không dám tham nhũng, lãng phí, không cần tham nhũng.

Như vậy cả hệ thống: giáo dục, pháp luật, hành chính đều tập trung giải quyết tận gốc vấn đề, chứ không phải chỉ là giải quyết một số vụ việc.

Chúng tôi nghĩ chính kênh đối thoại là để những cán bộ có trách nhiệm giải thích được cho dân, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ hơn để giúp nhân dân nhận thức đúng, đồng thời giúp cán bộ chủ chốt các cấp nhận thức được đúng những bức xúc của dân, những vi phạm dân chủ của bộ máy đối với dân.

Đối thoại để nối Trung ương với nhân dân

Thưa ông, lý do Báo Điện tử Đảng Cộng sản mở kênh đối thoại trực tiếp với người dân là gì?

Đây là một trong những định hướng lớn trong công tác tư tưởng thời kỳ đổi mới, một phần trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần đường lối Đại hội 10 nhằm mở rộng hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện tốt cả ba hình thức dân chủ cơ bản: dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp và dân chủ cơ sở.

Thông qua kênh đối thoại này, lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước trực tiếp nghe được tiếng nói, nguyện vọng và những bức xúc của nhân dân. Điều này giúp họ kịp thời tiếp thu bổ sung chính sách và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Vì thế, với tư cách là cơ quan ngôn luận của Trung ương, với chức năng, nhiệm vụ là một tờ báo điện tử nên chúng tôi đề nghị cho mở kênh đối thoại. 

Kênh đối thoại với dân sẽ có hình thức vận hành như thế nào? Có phải bất kỳ người dân nào nếu có vấn đề gì thì gửi ý kiến đến cho các ông?

Hiện tại chúng tôi chưa đủ điều kiện kỹ thuật để làm truyền hình Internet mà mới ở giai đoạn được đầu tư. Trước mắt, sẽ tiến hành đối thoại trực tuyến. Công việc đòi hỏi chúng tôi phải kịp thời nắm bắt được dư luận xã hội để khi thấy những vấn đề bức xúc, thì lập tức lên kế hoạch. Chúng tôi sẽ thông báo trên báo ngày giờ diễn ra đối thoại về vấn đề cụ thể. Chúng tôi sẽ mời những quan chức có liên quan đến trao đổi với dân.

Thông tin sẽ được tổng hợp từ hộp thư góp ý mà bạn đọc vẫn thường xuyên góp ý và hỏi, một nguồn nữa là Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội của Ban Tư tưởng và sẽ liên hệ cả với Văn phòng chính phủ, văn phòng Quốc hội, để làm sao kịp thời đáp ứng được nhu cầu của người dân. Và đương nhiên sẽ qua cả báo chí nữa, để xác định chọn vấn đề.

Theo Vân Anh
VietnamNet

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.