Chủ tịch nước thăng hàm cấp tướng cho 313 sĩ quan

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao vai trò của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ qua. Ảnh: DN
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao vai trò của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ qua. Ảnh: DN
TPO - Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã thăng quân hàm cấp Tướng cho 194 sỹ quan Quân đội Nhân dân và 119 sỹ quan Công an Nhân dân.

Chiều 18/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước.

Báo cáo dự thảo về công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chủ tịch Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã thăng quân hàm cấp Tướng cho 194 sỹ quan Quân đội Nhân dân, trong đó từ Đại tá lên Thiếu tướng là 139, từ Thiếu tướng lên Trung tướng là 35, từ Trung tướng lên Thượng tướng là 17, từ Thượng tướng lên Đại tướng là 2; Thăng quân hàm Đô đốc Hải quân là 1 người.

Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước cũng thăng quân hàm cấp Tướng cho 119 sỹ quan Công an Nhân dân, trong đó từ Đại tá lên Thiếu tướng là 92, từ Thiếu tướng lên Trung tướng là 20, từ Trung tướng lên Thượng tướng là 6, từ Thượng tướng lên Đại tướng là 1 người.

Về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cấp cao của Nhà nước, trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước đã đề nghị Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước đã bổ nhiệm 6 Phó Thủ tướng Chính phủ, 25 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Miễn nhiệm 1 Phó Thủ tướng Chính phủ…

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước đã ký quyết định công bố 100 Luật, 10 Pháp lệnh và 21 Nghị quyết đã được Quốc và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua. Chủ tịch nước đã ký quyết định đối với 198 Điều ước quốc tế, trong đó có ủy quyền đàm phán, ủy quyền ký, phê chuẩn, sửa đổi gia hạn 146 Điều ước quốc tế về ODA; Hủy bỏ 1 Điều ước quốc tề về ODA…

Chủ tịch nước đã tham gia 52 buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh với hơn 16.000 lượt cử tri tham dự và 616 lượt ý kiến. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước cũng đã cho nhập trở lại Quốc tịch Việt Nam đối với hơn 3.000 người; cho thôi Quốc tịch Việt Nam đối với hơn 32.000 người…

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước không cần dài, nhưng phải toát lên được vai trò đối nội, đối ngoại của một nguyên thủ quốc gia. Bên cạnh đó, báo cáo có thể đưa ra những kiến nghị, chỉ ra những kinh nghiệm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đánh giá cao nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, đặc biệt về công tác đối ngoại đã có đóng góp rất lớn, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Các chuyến đi công tác đối ngoại của Chủ tịch nước làm tăng thêm sức mạnh về kinh tế, kể cả quốc phòng an ninh.

“Vai trò của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước đã động viên sức mạnh cả hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của Chủ tịch nước với lực lượng vũ trang rất thực chất, xuất phát từ thực tiễn chứ không phải hình thức. Những tuyên bố của Chủ tịch nước gây ấn tượng rất mạnh, làm các cấp trong hệ thống chính trị phải soi lại mình”, ông Giàu nêu.

Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ vài trò của Chủ tịch nước xoay quanh việc hoàn thiện thể chế và chính sách. “Báo cáo không cần dài nhưng phải toát lên được vai trò của người đứng đầu Nhà nước, những nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như công tác hoạt động của Chủ tịch nước ra sao?…”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.