Chủ tịch nước Trần Đức Lương yêu cầu báo cáo khẩn cấp hướng khắc phục, xử lý

Chủ tịch nước Trần Đức Lương yêu cầu báo cáo khẩn cấp hướng khắc phục, xử lý
Báo Tiền Phong đã có thông tin việc nắng hạn gay gắt trên quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) làm cho giá nước lên 150.000đ/m3, người dân thiếu nước nghiêm trọng.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương yêu cầu báo cáo khẩn cấp hướng khắc phục, xử lý ảnh 1

Tỉnh Kiên Giang phải chi khẩn cấp 200 triệu mua nước cứu khát cho dân. Sau khi báo phát hành, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã yêu cầu Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo nguyên nhân xảy ra sự cố, hướng xử lý, khắc phục và yêu cầu tỉnh giải quyết để người dân trên quần đảo Nam Du có nước sinh hoạt trong mùa khô tới.

Chiều 27/3, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Phan Văn Thuật – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình – Bộ NN&PTNT xung quanh vấn đề khắc phục xử lý hồ chứa nước này.

Theo ông Thuật, sau khi có thông tin từ báo Tiền Phong và một số báo khác, ngày 21/3, thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Quản lý xây dựng công trình đã tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý công trình bể chứa nước công cộng tại đảo Hòn Lớn.

Qua khảo sát, sơ bộ việc khắc phục như sau: Dỡ toàn bộ tấm đan xung quanh bể cùng lớp vải chống thấm sau đó xử lý lại mặt mái và làm các rãnh thu nước ngầm dọc, ngang rồi dùng van 1 chiều thu nước ngầm vào bể, thay thế các tấm đan, vệ sinh toàn bộ công trình, tu bổ hàng rào, cổng bảo vệ, xây mới các đường lên đập. 

“Chúng tôi đang cho dỡ tấm đan lát các mái hư hỏng. Đồng thời tập trung nhân lực, vật lực để đưa vật tư ra đảo. Ngày 31/3 này sẽ họp, báo cáo với Bộ về hướng xử lý. Thời gian triển khai sửa chữa bắt đầu từ 1/4 và cuối tháng 5 hoàn thành để kịp trữ nước khi mưa xuống” - Ông Thuật cho biết.

Theo một cán bộ tỉnh Kiên Giang, hồ chứa nước này được thiết kế chứa 30.000 m3, đủ dùng cho 2.000 dân trên đảo nhưng hiện dân khu vực trên đảo và vùng đảo lân cận đã lên đến 8.000 người, chưa kể hàng trăm tàu đánh cá.

Nếu tu sửa hồ này cũng phải tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ nhưng việc “khát” nước ngọt vẫn xảy ra. Nên chăng, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu, mở rộng hồ chứa để tiết kiệm chi phí mà xã đảo có thêm nguồn nước sử dụng quanh năm. Và, dư luận cũng đòi hỏi liệu ai sẽ chịu trách nhiệm trước công trình kém chất lượng nói trên?

MỚI - NÓNG