Chủ tịch Quốc hội: Bỏ phiếu tín nhiệm, sao chưa làm được?

Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về Dự thảo Luật hoạt động giám sát. Ảnh DN.
Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về Dự thảo Luật hoạt động giám sát. Ảnh DN.
TPO - Vấn đề trên được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào sáng nay (11/8).

Dự thảo luật quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự: Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm; Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín; Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định.

Về bỏ phiếu tín nhiệm, Dự thảo luật quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp: Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị; Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp trình Quốc hội; việc xác định ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật tổ chức Quốc hội; Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện tại Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến của mình; Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan…

Dự thảo luật cũng quy định, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ của người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.

Theo ủy ban thẩm tra, qua thảo luận về vấn đề này có hai loại ý kiến như sau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thu hút các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của Nghị quyết Quốc hội vào trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để thể hiện cho thống nhất, dễ theo dõi, dễ thực hiện và tránh tình trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau.

Theo Thường trực Ủy ban pháp luật, Nghị quyết số 85/2014/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực đã quy định rất chi tiết về nguyên tắc, thời điểm, quy trình, thủ tục… lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo Luật một số quy định về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Còn các vấn đề cụ thể về trình tự, thủ tục được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý việc lấy phiếu và bỏ phiếu khác nhau, quyền lực pháp lý khác nhau, hiệu lực cũng khác nhau. Trong đó bỏ phiếu là vấn đề cực kỳ hệ trọng. 

“Câu hỏi lớn nhất là tại sao bao nhiêu năm có chữ bỏ phiếu mà ta không làm, Hiến pháp ta cũng có lâu rồi, chứ không phải giờ mới có. Dự thảo luật phải tính toán và gia cố thêm”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.