Chủ tịch Quốc hội: Phải chỉ rõ yếu kém của nền kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: An Đăng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: An Đăng
TP - Ngày 9/10, tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, kế hoạch năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Cần phải chỉ rõ cả những yếu kém của nền kinh tế bởi tình hình xấu lắm rồi.

Chủ tịch Quốc hội nói rằng, yếu kém của nền kinh tế là năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp, sức cạnh tranh còn yếu… nợ công vẫn là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực, sản phẩm chủ lực và cạnh tranh tăng rất chậm và yếu.

Những nguy cơ gây mất ổn định vẫn còn đe dọa,trong khi đó, mặc dù đối ngoại được mở rộng, nhưng xuất nhập khẩu chưa cao, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Vì vậy, cần phải tiết kiệm chi phí, cân đối thu - chi, phải làm ra tiền chứ ngồi xem túi tiền có bao nhiêu mà chia là không được.

Theo Chủ tịch QH, cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đất nước phát triển. Tuy nhiên, nhân lực của ta lại quá yếu kém, gây khó khăn cho tái cơ cấu, hội nhập.

Tăng trưởng quá thấp, nợ xấu gia tăng

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tăng trưởng kinh tế đạt 5,62% trong 9 tháng đầu năm. Tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Cùng đó, việc xử lý nợ xấu chậm, chỉ đạt khoảng 17% kế hoạch. Nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại (năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07%, cuối 7/2014 là 4,11%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm qua dự kiến chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5% - 7%).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị chỉ rõ vai trò chủ quan trong quản lý, điều hành. “Thu ngân sách giảm, có trường hợp không thu được, còn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt.

Bảo vệ rừng thế nào mà có nơi chặt hết rừng, chặt hết gỗ để đấy, chờ thời cơ là mang xuống. Như vậy quản trị quốc gia có vấn đề. Tiềm năng nông nghiệp lớn, nhưng không khai thác được, người dân phải chặt cao su để trồng tiêu. Vậy vai trò của Nhà nước như thế nào?”, ông Phước nói.


“Tình hình tối lắm rồi”

Chính phủ nhận định, ngân sách năm 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, một số ý kiến đề nghị năm tới cần tăng lương theo lộ trình, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức thu nhập thấp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tăng lương cơ bản sẽ kéo theo áp lực tăng chi ngân sách, nên cần phải cân nhắc.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và một số đại biểu nói rằng, năm 2014 đã hoãn tăng lương, năm 2015 cũng không thể bố trí nguồn, dư luận sẽ băn khoăn, nhưng nếu tăng lương thì tiền ở đâu?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, năm 2015 phải giải quyết vấn đề lương, bảo hiểm. QH phải tính đến vấn đề lớn của quốc gia, đừng để dàn trải nguồn lực ngay từ trong chính sách. 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, cơ cấu chi ngân sách hiện nay rất xấu, đến 72% chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% là vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển.

"Tôi thấy tình hình tối lắm rồi. Thu được đồng nào xài hết đồng ấy, đầu tư phát triển ngày càng ít đi, cứ đi vay ào ào. Cứ thế này làm sao phát triển được đất nước. Trong khi đó thất thu ngân sách rất lớn. Nói ngân sách thất thu do chúng ta giảm thuế là không đúng. Thu ngân sách năm 2014 phải tăng lên, còn 3 tháng nữa là hết năm, đây chính là giai đoạn nước rút...”, Chủ tịch QH nói.

Chủ tịch QH đề nghị, năm 2015 phải trở lại cơ cấu chi ngân sách: 50% chi thường xuyên, 30% chi cho đầu tư phát triển, và 20% chi trả nợ. Đồng thời, phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục phá sản 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy, 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, tạm dừng hoạt động là 18.873. Có 213.000 doanh nghiệp báo lỗ, không phát sinh thuế TNDN, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013.

MỚI - NÓNG