Chủ tịch Quốc hội: Vay ngắn hạn thì rất gay!

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thúc đẩy sản xuất trong nước để hạn chế nhập khẩu. Ảnh: Dũng Nguyễn
Chủ tịch Quốc hội đề nghị thúc đẩy sản xuất trong nước để hạn chế nhập khẩu. Ảnh: Dũng Nguyễn
TP - “Nếu bán không được, người ta không dám cho vay 5 năm, 10 năm. Thị trường trái phiếu mấy năm rồi mà không phát triển được. Vay ngắn hạn thì rất gay, bởi vừa vay xong đã phải lo trả. Bài toán này phải tính toán rất cẩn thận”, Chủ tịch Quốc hội nêu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 12/10.

Bất lợi khi cạnh tranh với hàng giá rẻ

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, nền kinh tế trong nước đã phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP đạt 6,5% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 909,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Theo Bộ KH&ĐT, việc điều chỉnh tăng và nới rộng biên độ tỷ giá ngoại tệ là giải pháp đúng đắn, phù hợp để giảm tác động tiêu cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, do tác động tâm lý nên xảy ra hiện tượng tỷ giá tăng kịch trần cho phép, có ảnh hưởng đến lãi suất ở một số thời điểm. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, nước ta nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, do vậy, việc phá giá đồng Nhân dân tệ cùng với giá xăng, dầu xuống thấp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành. Tuy nhiên, hàng hóa nước ta sẽ gặp nhiều bất lợi khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là hàng tiêu dùng.

Đánh giá về diễn biến tình hình năm 2016, theo Bộ KH&ĐT, những khó khăn đối với sự phát triển kinh tế còn rất lớn khi giá dầu thô và giá nông sản thế giới giảm thấp. Đặc biệt sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của nước ta vào thị trường này. Ngoài ra việc hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do FTA tạo ra những điều kiện quan trọng trong phát triển nhưng cũng gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn.

Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội, Chu nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, một số ý kiến còn cho rằng việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra trong điều kiện giá dầu ở mức giá quá thấp. Bên cạnh đó, nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá. Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn. Trước tình hình đó, Ủy ban thẩm tra đã đề xuất 9 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó có đưa ra giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, xử lý hiệu quả nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ nợ công.

Đặc biệt quan tâm vấn đề hội nhập

Đề nghị bám sát mục tiêu duy trì mức bội chi ngân sách dưới mức 5% như đã đề ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển kiến nghị cơ cấu lại khoản nợ có thời hạn trong vòng 2 năm 2015 – 2016, khống chế số lượng ở mức độ nhất định. Đề cập đến nguồn vốn vay, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu không phải đi vay sẽ là rất tốt, nhưng trên thực tế, từ năm 2009 toàn bộ vốn đầu tư phát triển phải đi vay. Theo ông Hiển, phải làm sao vay được với thời gian trả nợ dài nhất, lãi vay thấp nhất và rủi ro ít nhất. “Nới lỏng cơ chế cho phép vay vốn trái phiếu Chính phủ thì mới giải quyết được tình hình khó khăn hiện nay. Theo tôi, Quốc hội nên cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ”, ông Hiển nêu.

Trước áp lực nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, thị trường thứ cấp mua bán nợ còn yếu. “Người ta sẵn sàng mua trái phiếu dài hạn, nhưng phải có thị trường để họ bán lại trong một, hai năm. Nếu bán không được, người ta không dám cho vay 5 năm, 10 năm. Thị trường trái phiếu mấy năm rồi mà không phát triển được. Vay ngắn hạn thì rất gay, bởi vừa vay xong đã phải lo trả rồi. Bài toán này phải tính toán rất cẩn thận”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng nếu chỉ vay năm một thì Ngân hàng Nhà nước, không tội gì phải phát hành trái phiếu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề hội nhập trong thời gian tới. Đặc biệt sau khi TPP kết thúc đàm phán, dự kiến đến tháng 11 hoặc tháng 12 này có thể ký kết được và đến tháng 3, hoặc tháng 4, chậm nhất đến cuối năm 2016, Quốc hội có thể sẽ phê chuẩn thông qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, bởi khi nhập TPP, nhập siêu có khả năng tăng lên, dẫn tới thiếu ngoại tệ, kéo theo việc ổn định tỷ giá sẽ gặp nhiều khó khăn.

Các mục tiêu chủ yếu trong năm 2016: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khấu dưới 5%.

MỚI - NÓNG