Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch do lơ là

Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch do lơ là
TP - “Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chấn chỉnh ngay công tác tổ chức chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm ở địa phương và hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp".

"

Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch do lơ là ảnh 1
Khi trong đàn gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh cúm, phải tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh

Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải chỉ đạo quyết liệt, xác định phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và luôn đặt trong tư thế sẵn sàng tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo như vậy trong công điện phát đi ngày hôm qua (22/12). 

Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động các lực lượng, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch đến từng cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi.

Khi trong đàn gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh cúm, phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, đồng thời phải tiêu huỷ ngay đàn gia cầm bị bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y để bao vây dập tắt ổ dịch ngay từ đầu, không để dịch bệnh lây lan.

Đối với vùng có nguy cơ cao, ngoài việc áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch phải chỉ đạo tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho toàn bộ đàn gia cầm, kể cả gia cầm chưa được tiêm và gia cầm mới phát sinh.

Kiểm soát chặt chẽ về thú y trong vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm nhất là tại các đô thị, nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ cao về dịch; chỉ buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm soát về thú y.

Tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, nơi có ổ dịch cũ, chợ buôn bán và cơ sở giết mổ gia cầm.

Các tỉnh có biên giới đường bộ với các nước láng giềng chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nước ta, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương để phòng, chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu huỷ do dịch cúm theo quy định hiện hành, trường hợp có khó khăn phải báo cáo Thủ tướng.

Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ chủ tịch UBND các tỉnh , thành phố trực thuộc T.Ư phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để dịch xảy ra do chủ quan, lơ là, chỉ đạo không quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cử ngay đoàn công tác đến các tỉnh có dịch để cùng địa phương làm rõ nguyên nhân xảy ra dịch; chỉ đạo, hướng dẫn  thực hiện các biện pháp phòng, chống cụ thể, kiên quyết không để dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Tăng cường kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở địa phương; đảm bảo cung ứng đủ vắc xin tiêm phòng; phối hợp với Bộ Y tế giám sát chặt chẽ về vi rút, tình hình dịch cúm gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ Y tế được Thủ tướng giao nhiệm vụ chỉ đạo theo dõi giám sát chặt chẽ diễn biến dịch và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H5N1) ở người; đảm bảo đầy đủ thuốc, các loại vật tư hóa chất, trang thiết bị phương tiện cần thiết để xử lý kịp thời ngay từ ca bệnh đầu tiên và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh khẩn cấp.

Tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh

Phó Thủ tướng phê bình lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và khẳng định cả hai địa phương trên đã mắc 3 khuyết điểm lớn. Khi dịch cúm bị đẩy lùi, địa phương đã không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của T.Ư, không tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho các đàn gia cầm, thủy cầm và còn cho tái ấp nở.

Việc thông tin, liên lạc thực hiện quá chậm chạp và bị động. Dịch tái phát 5-7 ngày, cơ quan chức năng mới biết. Do đó, khi dịch cúm xảy ra, việc khoanh vùng để tổ chức tiêu hủy gặp rất nhiều khó khăn nên đã tái phát rất nhanh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu tất cả các tỉnh, thành, đặc biệt là khu vực ĐBSCL khẩn trương kiểm tra để sớm phát hiện dịch (nếu có).

Đối với những khu vực đã bùng phát dịch, Phó Thủ tướng đề nghị tiêu hủy đàn gia cầm bị bệnh trước ngày 23/12, tiêm vắc xin phòng bệnh, khoanh vùng dịch bệnh và xuất quĩ dự phòng hỗ trợ cho các hộ có gia cầm bị tiêu hủy.

* Tại tỉnh Bạc Liêu đã xuất hiện ba ổ dịch cúm gia cầm tái phát tại xã Vĩnh Bình (Hòa Bình); các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi cũng có gia cầm bị bệnh chết.

Chính quyền địa phương, cán bộ thú y và nhân dân tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm bị bệnh. Số liệu thống kê của các cơ quan quản lý không trùng khớp với số lượng gia cầm được nuôi trong thực tế đã dẫn đến lúng túng trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Ông Phạm Thành Tươi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết có hai ổ dịch tại ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng và ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời).

Tình trạng đàn vịt chết có triệu chứng nhiễm cúm gia cầm xảy ra rải rác các xã của huyện Trần Văn Thời và xã An Xuyên (TP Cà Mau). Tỉnh đã huy động lực lượng cán bộ thú y, hóa chất, thuốc men đến vùng dịch bệnh để dập tắt ổ dịch.

Tuy nhiên, đàn gia cầm phải tiêu hủy trong vùng dịch bệnh hơn 13.000 con nhưng mới tiêu hủy hơn 2.500 con vì người dân không đồng thuận việc tiêu hủy.

Chiều 22/12, ông Cao Anh Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu dẫn đầu đoàn công tác xuống ngay xã Vĩnh Bình (Hòa Bình) chỉ đạo công tác dập tắt ổ dịch.

Trao đổi qua điện thoại, ông Cao Anh Lộc cho biết: “Chúng tôi huy động lực lượng, hóa chất tiêu độc vùng dịch bệnh, áp dụng các biện pháp để chống lây lan.

Đồng thời, ngân sách dự phòng chuyển ngay đến vùng dịch để hỗ trợ cho người dân và giúp địa phương làm khẩn trương dập tắt ổ dịch và phòng lây lan cho các vùng lân cận xã Vĩnh Bình (Hòa Bình)”.

Ông Ngô Chí Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, Phó ban thường trực chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm của tỉnh cho biết:

“Toàn bộ đàn gia cầm trong vùng dịch cúm tại xã Khánh Hưng, Khánh Hải đã được người dân nhốt và tiêu hủy ngay trong  ngày 22/12. Chi cục Thú y Cà Mau huy động cán bộ, phương tiện, thuốc men và hóa chất tiêu độc, khử trùng vùng dịch.

Tại huyện Trần Văn Thời và TP Cà Mau, áp dụng cấm nuôi gia cầm thả rong và không cho vận chuyển gia cầm ra vào vùng dịch”.

MỚI - NÓNG