Chủ tịch xã không tham của rơi

Ông Đặng Tiến Tùy, người vừa nhặt được tiền và tìm cách trả lại cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: Ngọc Văn
Ông Đặng Tiến Tùy, người vừa nhặt được tiền và tìm cách trả lại cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: Ngọc Văn
TPO - Chiều 10/11, tin từ Bệnh viện Đại học Y dược Huế cho biết, một bệnh nhân thuộc cơ sở y tế này vừa tìm lại được lượng lớn tiền mặt dùng mua thuốc men điều trị bệnh nhưng không may đánh rơi trước đó, nhờ vào lòng tốt của một cán bộ lãnh đạo xã tại TT-Huế.

Trước đó, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) đến Bệnh viện Đại học Y dược Huế có công chuyện. Tại đây, ông Tùy tình cờ nhặt được một ví da đựng tiền trên lối vào bệnh viện. 

Qua kiểm tra bên trong, ông Tùy phát hiện có lượng lớn tiền mặt trị giá hơn 9 triệu đồng và các giấy tờ tùy thân mang tên Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Thị Bảy (ngụ tại Phổ Châu, Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ông Tùy đoán rằng, số tài sản này là của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân dùng để chi phí thuốc men nhưng không may đánh rơi khi đến điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế. Dù bận công chuyện, ông Tùy vẫn tìm cách đi đến tất cả các khoa phòng của Bệnh viện Đại học Y dược Huế dò hỏi người bị mất để tìm cách trả lại. 

Sau nhiều giờ đồng hồ dò hỏi vẫn chưa có kết quả, ông Tùy nhờ lực lượng bảo vệ thông báo trên hệ thống loa truyền thanh bệnh viện, nhưng không ai chịu nhận đó là tài sản do mình đánh rơi. Ông Tùy quyết định tìm đến cơ quan công an sở tại trình báo. Lúc ông Tùy sắp rời bệnh viện thì có hai cụ già trên 60 tuổi nặng nhọc dìu nhau từ ngoài cổng vào, với vẻ mặt thất thần, tuyệt vọng. Hai người này là vợ chồng, nhận mình là người đánh rơi ví tiền.

Qua đối chiếu thông tin, số tiền và các giấy tờ trong ví, ông Tùy và lực lượng bảo vệ Bệnh viện Đại học Y dược Huế xác định đây là người đã đánh rơi tiền. Họ là Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Thị Bảy (trùng với giấy tờ tùy thân lưu trong ví). Ông Khanh cho biết, buổi sáng ông ra mua mì ổ để hai vợ chồng điểm tâm thì không may đánh rơi ví. Đây là số tiền mà vợ chồng ông Khanh gom góp, vay mượn từ người thân để ra Huế điều trị căn bệnh đường ruột mãn tính kéo dài suốt 10 năm qua. 

“Khi nhận lại tiền, vợ chồng ông Khanh mừng phát khóc. Họ cho biết, trong số hơn 9 triệu đồng bị đánh rơi, tiền của hai vợ chồng dồn góp được chỉ trên 4 triệu đồng, còn lại là nhờ vay mượn. Nếu mất hết tiền, ông Khanh cho biết chỉ còn cách quay về quê mặc cho sự sống chết”, một bảo vệ bệnh viện kể lại.

Tiếp xúc với PV Tiền Phong, ông Đặng Tiến Tùy bày tỏ: “Nếu mình rơi vào trường hợp như vợ chồng cụ Khanh cũng sẽ rất khó khăn. Do đó, khi nhặt được ví tiền, tôi cố tìm mọi cách liên hệ người mất để trả lại. Được biết, cụ Khanh thuộc gia cảnh nghèo, mắc bệnh đường tiêu hóa nhiều năm không chữa khỏi, nên cố xoay xở tiền tìm ra Huế với hy vọng trị lành bệnh”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.