Chưa có giải pháp chống lãng phí nhà thi đấu đa năng trường học

 Nhà thi đấu đa năng ở trường THCS Định Môn rộng 1.000 m2 lãng phí khi đi vào khai thác. ẢNH: HOÀ HỘI
Nhà thi đấu đa năng ở trường THCS Định Môn rộng 1.000 m2 lãng phí khi đi vào khai thác. ẢNH: HOÀ HỘI
TP - Thực tế hầu hết các trường không có điều kiện khai thác hết công năng của nhà thi đấu đa năng, thậm chí không có tiền để bảo trì, chống xuống cấp.

Xây dựng nhà thi đấu trong các trường học có mục đích “chiến lược” là nâng cao thể lực học sinh, phát hiện và bồi dưỡng các mầm non thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, vài hoạt động lèo tèo hiện nay chủ yếu là tập thể dục tay không, sinh hoạt văn nghệ, đôi nơi che bóng mát cho học môn giáo dục quốc phòng.

Tìm tiếng nói chung

Ông Võ Minh Lợi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết mục tiêu chính của nhà thi đấu là phục vụ giáo dục thể chất học sinh. Các trường học để đạt chuẩn quốc gia, phải có nhà thi đấu đa năng và nhà trường có quyền tự chủ về tài chính nên cho thuê hay không do các trường quyết định.

Tuy nhiên, thực tế hầu hết các trường không có điều kiện khai thác hết công năng của nhà thi đấu đa năng, thậm chí không có tiền để bảo trì, chống xuống cấp.

Ông Lợi giải thích, cũng do giữa ngành giáo dục với Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) chưa tìm được tiếng nói chung. Ông dẫn chứng: Ở nhà thi đấu đa năng tại trường THCS Thạnh Mỹ (Vĩnh Thạnh), Trung tâm Văn hóa huyện muốn mượn tổ chức môn bóng chuyền phục vụ cho Đại hội TDTT và yêu cầu đào giữa sân để cắm 2 trụ căng lưới thi đấu thì không thể được. Bởi sau đó không ai bỏ ra kinh phí sửa chữa.

“Sở GD&ĐT luôn sẵn sàng phối hợp ngành VHTT&DL khai thác nhà thi đấu đa năng vừa phục vụ cho học tập của học sinh vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thể thao của người dân. Nhưng phải phù hợp với điều kiện của trường học”, ông Lợi nói.

Thế nhưng, nếu phục vụ thêm nhu cầu sinh hoạt TDTT của người dân thì đã lệch mất mục tiêu xây dựng nhà thi đấu đa năng đặt ra từ ban đầu, nâng cao thể chất và bồi dưỡng mầm non tài năng. Chưa kể, Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Thạnh, ông Nguyễn Văn Liếng, cho biết người dân còn nghèo, ở vùng sâu nên ít mặn mà với các môn thể thao trong nhà. Phó hiệu trưởng trường THPT Thốt Nốt, ông Nguyễn Thanh Hải, nói thêm, đang xin phép để cho thuê sân trong nhà thi đấu nhằm gây dựng phong trào cầu lông của địa phương nhưng cũng thấy khó khăn.

Ông Đặng Tấn Hùng, Phó Giám đốc thường trực Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, cho rằng, các nhà thi đấu nếu chỉ phục vụ giáo dục thể chất học sinh thì lãng phí, “trong khi thể thao thành tích cao của thành phố đang thiếu nơi để tập luyện”. Ông Hùng dẫn chứng: Ở mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng như huyện Vĩnh Thạnh là bóng chuyền, đua thuyền; Ô Môn với môn đẩy gậy, Cái Răng là bóng rổ… nhưng khai thác các nhà thi đấu đa năng như thế nào thì còn phải bàn.

Tiếp tục xây dựng thêm?

Trong cuộc họp tổng kết Đại hội TDTT thành phố ngày 3/1, Sở VHTT&DL đã yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo các trường có nhà thi đấu đa năng phối hợp với Trung tâm Văn hóa để khai thác các nhà thi đấu đa năng. Tuy nhiên, tất cả vẫn trong quá trình “bàn bạc”.

Phóng viên đặt câu hỏi, tại sao không xây dựng khu liên hợp TDTT như ở tỉnh Đồng Tháp để tránh đầu tư tràn lan, gây lang phí? Phó giám đốc Sở VHTT&DL Phạm Văn Luận cho rằng, xây dựng khu liên hợp tại trung tâm thành phố có thuận lợi tổ chức các sự kiện thể thao nhưng không phục vụ được số đông dân chúng.

Chủ trương của thành phố là phát triển thể thao học đường, muốn tạo ra những vận động viên nòng cốt, kế thừa đi lên từ trường học trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương. Ông Luận dẫn ra ví dụ các kỳ Olympic quốc tế, đoàn Việt Nam đoạt huy chương chủ yếu là các vận động viên trong độ tuổi học sinh.

Trên thực tế, nhà thi đấu đa năng ở trung tâm thành phố như tại trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, cũng chỉ phục vụ học sinh các môn cầu lông, đá cầu, bóng bàn thông thường, không hề có giá trị nâng cao.

Nhiều lúc nhà thi đấu đa năng này còn được sử dụng để học môn giáo dục quốc phòng với đi đều, lăn, lê, bò, trườn…. Còn ở vùng sâu như nhà thi đấu đa năng tại trường THCS Thạnh Mỹ (Vĩnh Thạnh), giáo viên dạy thể dục tay không, hoặc ít động tác bổ trợ cho điền kinh, cầu lông.

Ông Luận thừa nhận, các nhà thi đấu đa năng hoạt động chưa hiệu quả. Dự kiến, cuối quý 1/2014, Sở VHTT&DL (Cần Thơ) sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Sở GD&ĐT, tạo điều kiện cho người dân bên ngoài vào tập luyện, kể cả phục vụ thể thao thành tích cao nhằm khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có.

Hiện nay, ông Luận cho biết thêm, Sở VHTT&DL đang tham mưu cho UBND TP Cần Thơ trình Chính phủ kế hoạch đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8, diễn ra vào năm 2018. Dự kiến có các môn thể thao cấp khu vực và thế giới như cờ vua, vovinam, judo, taekwondo.

Để phục vụ, còn phải mua thêm trang thiết bị, xe ô tô chuyên chở vận động viên mới hy vọng tận dụng được 21 nhà thi đấu đa năng trong trường học. “Và còn phải xây mới 3 hồ bơi, nhà luyện tập để phục vụ Đại hội”, ông Luận nói.

Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh Nguyễn Văn Liếng cho biết, người dân còn nghèo, ở vùng sâu nên ít mặn mà với các môn thể thao trong nhà. Phó hiệu trưởng trường THPT Thốt Nốt Nguyễn Thanh Hải nói thêm, đang xin phép để cho thuê sân trong nhà thi đấu nhằm gây dựng phong trào cầu lông của địa phương nhưng cũng thấy khó khăn.

MỚI - NÓNG